[Quảng Nam] Ngành thủy sản Quảng Nam giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 16.000 lao động trong tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái, môi trường biển…, cũng là giữ gìn sinh kế cho người dân
Vùng biển rạn Bà Đậu buổi sớm mai. Ảnh: Q.VIỆT
Với điều kiện thuận lợi, cùng với sự phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ngành thủy sản đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Với giá trị sản xuất tăng từ 3.780 tỷ đồng năm 2018 lên 4.373 tỷ đồng năm 2022, tốc độ tăng bình quân giá trị đạt 3,57%/năm, chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành thủy sản đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 người lao động trực tiếp, khoảng 3.000 người lao động gián tiếp, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên sinh vật biển đã và đang đứng trước nguy cơ, thách thức suy giảm, cạn kiệt do phải chịu nhiều tác động của con người từ các hoạt động kinh tế trên đất liền và trên biển.
Mặc dù trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm và có nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý. Song, tình trạng dùng kích thước mắt lưới nhỏ quá mức cho phép để khai thác, sử dụng lưới kéo… không theo quy định vẫn thường xuyên diễn ra.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản quá mỏng, địa bàn hoạt động quá rộng nên công tác tuần tra, kiểm soát trên biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu.
Các ngành chức năng và người dân chung tay thẻ cá, tôm để tái tạo nguồn lợi. Ảnh: Q.VIỆT
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ định hướng đó, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường xây dựng các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm bảo theo Điều 10 Luật Thủy sản.
Điển hình, năm 2022 với sự hỗ trợ từ Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), UBND huyện Núi Thành đã ban hành quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng tại khu vực biển Rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến) với tổng diện được phân vùng bảo vệ khoảng 64ha nhằm bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản. Qua đó, góp phần phục hồi, tái tạo, nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái để phát triển kinh tế thủy sản gắn với phát triển du lịch, đem lại thu nhập bền vững cho cộng đồng.