Loay hoay quản lý giá phụ thu
Từ đầu năm 2024, nhiều hãng tàu đã tăng giá phụ thu đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển, nổi bật là phụ thu bốc dỡ hàng hóa tại bến cảng (THC).
Điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, mức tăng giá dịch vụ THC trung bình từ 3-22%, mức giá trung bình dao động từ 120-155 USD/cont20’ và 180-270 USD/cont 40’. Ngoài ra, một số phụ thu khác cũng tăng như: Phí vệ sinh container của hãng TS Lines tăng 40% từ 1/2/2024; phụ thu DOC và DOF (phụ thu chứng từ) của hãng MSC tăng 12,5% từ 1/2/2024…
Ngoại… vô tư, nội từ từ
Ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện hãng tàu Yangming tại Hà Nội lý giải, việc các hãng tàu tăng phụ phí trong thời gian qua do các hãng gặp nhiều khó khăn, kinh doanh dưới mức hòa vốn. Trong khi thế giới có nhiều biến động gây khó khăn cho các hãng tàu, Việt Nam cũng là quốc gia xuất siêu nên lượng container luôn thiếu. Những khó khăn về tài chính khiến các hãng tàu tăng phụ phí để cân đối.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam – Phan Thông, phụ phí xếp dỡ tại cảng biển mà các hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu vừa qua thay đổi khá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn tới các chủ hàng. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do biến động chính trị thế giới gây cản trở các tuyến giao thông, khiến chi phí, thời gian chuyển hàng đều tăng mạnh.
Một nghịch lý là khi các hãng tàu nước ngoài mặc sức tăng giá phụ thu bốc dỡ hàng hóa thì các doanh nghiệp cảng trong nước lại áp dụng mức giá sàn (mức tối thiểu) theo quy định tại Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT.
Cụ thể, giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển do doanh nghiệp cảng thu chỉ bằng 25-55% so với giá THC của hàng tàu thu của khách hàng. Kể từ ngày 15/02/2024, khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng điều chỉnh tăng 10% tại khu vực I, III và khu vực cảng nước sâu, mức tăng từ 3,3-5 USD/cont20’, và 5-7 USD/cont40’. Tuy nhiên, hãng tàu đã điều chỉnh giá dịch vụ THC hãng tàu tăng từ 3-22%, tương ứng với mức tăng từ 4-26 USD/cont. Mặc dù trước đó, mức giá dịch vụ THC do hãng tàu thu đã cao hơn mức giá dịch vụ bốc dỡ container từ 45-75%, hãng tàu tiếp tục điều chỉnh mức tăng giá, càng tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá THC và giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng.
Theo ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, theo thông lệ quốc tế, phí xếp dỡ tại cảng biển sẽ dành 80% để trả phí bốc xếp cho cảng, nhưng ở Việt Nam mới trả được khoảng 40%. Phụ phí là nguồn thu của hãng tàu, đôi khi một số tuyến tàu cạnh tranh mạnh, giá cước có thể âm thì các phụ phí trên sẽ là nguồn thu trong những biến động về giá cước.
Chờ… chế tài để quản lý
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Hầu hết các hãng tàu nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam đều có đại diện tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp, với vốn 100% nước ngoài, thay mặt cho hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và làm đại lý theo hợp đồng.
Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp chủ hàng không làm việc trực tiếp với hãng tàu mà thông qua các công ty giao nhận trung gian (trừ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn hàng vận tải ổn định), vì ngoài dịch vụ vận chuyển hàng hóa, các công ty này thường cung cấp thêm các dịch vụ khác như khai báo hải quan, vận tải door to door. Các công ty trung gian mua chỗ với hãng tàu và bán lẻ ra trên thị trường với mức giá chênh lệch tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và thị trường vận tải. Mức trung gian có thể qua 2, 3 tầng, rồi mới đến khách hàng có nhu cầu vận chuyển thực. Theo quy định hiện hành, các công ty giao nhận trung gian được coi như công ty vận tải biển không tàu, phải thực hiện các nghĩa vụ về niêm yết giá cước như các hãng tàu. Nhưng trên thực tế rất ít công ty thực hiện niêm yết giá cước. Về quy định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp không niêm yết giá còn thấp, chưa đủ sức ngăn chặn.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, hiện nay phí và phụ phí của các hãng tàu đang thả nổi theo thị trường, mức tăng phụ thuộc vào chỉ số kinh doanh của các hãng tàu để xác định phụ thu. Các hãng tàu và doanh nghiệp chủ hàng cần trao đổi, đàm phán để đưa ra giải pháp hài hòa khi cơ quan quản lý chưa có chế tài quản lý. Việc niêm yết phụ thu của hãng tàu cũng cần minh bạch, công khai.
“Trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ xem xét, lập đoàn thanh tra, kiểm soát các công ty môi giới, đại lý trong việc tuân thủ các quy định, hành lang pháp lý của Việt Nam; nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm khắc”, ông Lê Đỗ Mười cho biết.
Để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ GTVT đã có văn bản số 14643/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính, theo đó đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung Phụ thu của hàng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá năm 2023. Hiện, Luật giá năm 2023 đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Hy vọng đây sẽ là “vòng kim cô” để kiểm soát sự “bất kham” giá phụ thu của các hãng tàu.