Lập sàn giao dịch lúa gạo để minh bạch thị trường
Trước hiện trạng của ngành lúa gạo trong nước, theo chuyên gia, việc lập sàn giao dịch sẽ giúp minh bạch thông tin và hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Đáng nói, chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lúa gạo trong nước được cho còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như: chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào nên giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao, tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh; Chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp cũng chưa thực sự chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Thị trường, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống do chưa đa dạng hoá thị trường xuất khẩu;
Bên cạnh đó, do Việt Nam đang bước vào vụ đông xuân thu hoạch rộ nên thời gian gần đây giá gạo Việt xuất khẩu liên tục giảm mạnh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày 28/2. Đây là mức giá xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng qua, sau khi giá gạo thế giới thiết lập mặt bằng mới kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường vào cuối tháng 7/2023.
Trước hiện trạng đã nêu, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Bởi hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt… chưa kể đến việc các thương lái “bắt tay” đẩy giá.
Vì vậy, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, không ít ý kiến cho rằng, cần thiết phải xây dựng sàn giao dịch lúa gạo.
Theo chuyên gia kinh tế – TS. Đinh Thế Hiển, hiện thế giới có trên 100 sở giao dịch hàng hóa, riêng châu Á có 46 sở và đa số lập sau năm 1990. Các sở giao dịch hàng hóa phát triển mạnh trên thế giới vì tạo ra sự cạnh tranh và công bằng; thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường, cung cấp thông tin cho người nông dân qua đó chống hiện tượng thương lái ép giá.
Với Việt Nam, việc lập sàn giao dịch gạo nói riêng và nông sản nói chung là hết sức cần thiết vì sẽ giúp hàng hóa Việt Nam hòa nhập với xu hướng thương mại của thế giới.
“Với mặt hàng gạo, chúng ta có đủ điều kiện, đủ năng lực về sản xuất từ nguồn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng vựa gạo Campuchia. Chúng ta có lợi thế lớn từ các công ty có khả năng điều phối về vốn, nguồn hàng, cùng với đó là nguồn nguyên liệu lớn từ các kho dự trữ quốc gia”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng quan điểm, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV cũng cho rằng, việc xây dựng thành công sàn giao dịch lúa gạo sẽ giúp thị trường lúa gạo minh bạch, hạn chế rủi ro.
Theo đó, khi xây dựng được sàn giao dịch, các nhà đầu tư cùng tham gia vào sẽ giúp giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp khi vào mùa thu hoạch. Về phía nông dân, khi doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nông dân sẽ có mức giá ổn định hơn.
Ngoài ra, các khách hàng nước ngoài không cần phải đến tận các nhà máy mà chỉ cần lên sàn xem các doanh nghiệp uy tín, chất lượng đảm bảo tính pháp lý, từ đó ít rủi ro hơn. Song quan trọng nhất là việc tổ chức, quản lý các sàn phải chặt chẽ để tránh tình trạng thổi giá, tiêu cực.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, mới đây, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD I), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường. Hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Đồng thời, tại Chỉ thị này, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.