Hết cảnh “đèn nhà ai nhà nấy sáng”
Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng là những yêu cầu để thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những không gian phát triển mới…
Trước năm 2018, hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ kết nối với nhau bằng con đường độc đạo – Quốc lộ 10 và 2 tuyến phà (phà Rừng và phà Lại Xuân). Mặc dù, chỉ cách nhau khoảng 70km nhưng thời gian di chuyển từ 2 trung tâm địa phương này cũng phải mất từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Trong khi đó, tuyến đường độc đạo này chính là huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi biên giới phía Bắc.
“Đôi bạn” cùng tiến
Khi cao tốc Hạ Long – Hải Phòng hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2018, việc kết nối giữa Quảng Ninh – Hải Phòng như “cuộc cách mạng” về giao thông. Từ Quảng Ninh đi Hải Phòng còn lại chưa đầy 1 giờ đồng hồ và đến Hà Nội cũng chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3 tiếng đồng hồ như trước. Khi “đường lớn đã mở”, Quảng Ninh hòa vào trục cao tốc phía Đông thiết lập ra không gian mới: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương – Hưng Yên.
Không riêng Quảng Ninh, khi trục cao tốc phía Đông hoàn thành, 3 địa phương còn lại Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên thời gian qua đã rất thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, trục giao thông kết nối là đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là cơ sở để các tỉnh, thành, trong đó có Hải Dương quy hoạch các Khu công nghiệp động lực, các trung tâm logistics gắn với các nút giao tuyến cao tốc. Cùng với sự tham gia các Nhà đầu tư khu công nghiệp có năng lực, giúp kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án sản xuất xuất kinh doanh có chất lượng. Đây là cơ hội để 4 tỉnh tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nhằm đón đầu cơ hội phát triển mới, xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác, liên kết vùng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, tháng 5/2022, hành lang đường bộ thứ 3 của Quảng Ninh – Hải Phòng là dự án Cầu Bến Rừng nối thị xã Quảng Yên với huyện Thủy Nguyên qua sông Đá Bạc đã được đầu tư xây dựng. Dự án có tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, cùng với thành phố Uông Bí, khu vực phía Tây Quảng Ninh sẽ có thêm 2 thành phố là Đông Triều và Quảng Yên. Trong khi bên kia bờ sông, huyện Thủy Nguyên cũng đang hoàn thiện hồ sơ thành lập thành phố Thủy Nguyên theo mô hình thành phố trong thành phố. Do đó, các hành lang đường bộ Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ là động lực chính để 2 khu vực này trở thành trọng điểm về tăng trưởng kinh tế với các KCN, CCN, chuỗi đô thị đang hình thành rất nhanh.
Đừng “mạnh ai nấy tiến”
Vấn đề liên kết vùng vẫn tồn tại nhiều nút thắt. Việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng còn nhiều lúng túng. Tính liên kết giữa các địa phương, các vùng còn lỏng lẻo, mang tính tự phát. Một số địa phương cạnh tranh không lành mạnh khi đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, liên kết vùng, kinh tế vùng được nói tới từ rất lâu nhưng hiện điều hành vẫn là “kinh tế tỉnh”, kế hoạch, ngân sách đều theo tỉnh, thành ra “mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm”.
Để khắc phục điều này, ông Lịch cho rằng, các địa phương trong vùng cần điều chỉnh lại quy hoạch vùng để tránh tình trạng các khu kinh tế, khu công nghiệp cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư, chia tách nguồn lực. Mặt khác, liên kết vấn đề bảo vệ môi trường, cần xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường chung cho cả vùng.
Xuất phát từ những hạn chế đó, 4 tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành.
Bí thư Quảng Ninh – Nguyễn Xuân Ký cho rằng, mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, nếu liên kết, 4 tỉnh có thể trở thành một trong những trung tâm kinh tế của Việt Nam. Chúng ta sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, và dịch vụ du lịch.
Chúng ta cũng sẽ nỗ lực để bốn địa phương trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn của chúng ta là xây dựng một mô hình liên kết kinh tế cấp vùng năng động, có định hướng toàn cầu và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chiến lược liên kết vùng.