Gỡ vướng cho dự án PPP
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hình thức PPP, sáng 09/11, VCCI đã phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam hiện nay: Rào cản và giải pháp”…
Đầu tư nguồn lực dành cho cơ sở hạ tầng luôn được coi là một trong những trọng tâm của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện hoạt động đầu tư công, Việt Nam đã, đang và sẽ thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hình thức này, sáng 09/11, với sự phối hợp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam hiện nay: rào cản và giải pháp”…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững VCCI cho biết, phương thức hợp tác công tư (PPP) là một hình thức hợp tác tiên tiến và hiệu quả trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. PPP giúp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của nhà nước; hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không phải gia tăng nợ của chính phủ ngay ở bước khởi đầu.
Sự tham gia của tư nhân vào các dự án và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mang lại hàng loạt lợi ích. Đặc biệt, việc chuyển giao rủi ro, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện cho đối tác tư nhân tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung vào tăng cường hiệu quả chức năng quản lý, lập kế hoạch và giám sát, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công cộng và sử dụng một cách tối ưu các nguồn lực xã hội.
“Hiểu một cách đơn giản thì PPP là sự thỏa thuận giữa các khu vực công (Chính phủ hoặc khu vực công khác) và khu vực tư nhân về việc tư nhân cung cấp các dự án hoặc dịch vụ. Yếu tố chính của một PPP là sự chuyển giao, chia sẻ đầu tư, trách nhiệm và lợi ích từ các đối tác công với các đối tác tư. Do vậy, PPP chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phân định hợp lý về vai trò và chia sẻ công bằng trách nhiệm, chi phí, rủi ro và quyền lợi, lợi ích giữa khu vực công và tư”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, để PPP có thể vận hành thành công, đòi hỏi phải có một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, công bằng, an toàn và một hệ thống khung khổ pháp lý vững chắc, phù hợp.
Ở nước ta, mặc dù, hệ thống khung pháp lý cho các dự án PPP đã bước đầu được hình thành, tuy nhiên thể chế PPP vẫn chồng chéo trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công…
“Ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tiếp theo đó là các Nghị định đưa ra những quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật. Sau hơn 2 năm có hiệu lực, vì nhiều quy định ở Luật là chưa có tiền lệ, nên các bên tham gia PPP còn mất nhiều thời gian để thống nhất cách hiểu và thận trọng trong triển khai. Ngay tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu quốc hội cũng nhận thấy và kiến nghị, đó là: Mô hình PPP ở nước ta đã khá thành công với các dự án điện, cung cấp nước sạch, cảng hàng không, nhưng khi áp dụng với các dự án đường bộ hay y tế hay đăng kiểm… thì còn nhiều bất cập, việc một số dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc – Nam không thể thu hút đầu tư PPP mà phải chuyển sang đầu tư công là những minh chứng cụ thể… dẫn tới những đề xuất việc thí điểm tăng tỷ trọng vốn Nhà nước tham gia dự án PPP”, ông Huy thông tin.
Cũng theo ông Huy, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển Hoa kỳ, VCCI là cơ quan chủ quản của Dự án Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong mối quan hệ đối tác công tư tại Việt Nam (giai đoạn 2020 – 2024). Một trong những kết quả đầu ra quan trọng của Dự án chính là Báo cáo nghiên cứu rà soát các rào cản và đề xuất một số giải pháp cho việc thực hiện hiệu quả PPP được công bố tại Hội thảo.
Báo cáo chỉ dừng lại ở một số vấn đề pháp lý cơ bản nhất của dự án đầu tư PPP như thủ tục đầu tư, doanh thu và chi phí, tiếp cận tín dụng, đàm phán và giải quyết tranh chấp. Báo cáo cũng chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề ở hai lĩnh vực hạ tầng có nhiều dự án PPP nhất là giao thông và năng lượng.
Bên cạnh nội dung đã nêu, Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự án PPP đang trở thành một phương thức quan trọng để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam, tuy nhiên, việc Nhà nước hỗ trợ trong các dự án PPP cũng đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, từ khi Luật PPP 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, đã nhất thể hóa các quy định hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP tại nhiều Luật và Nghị định được ban hành trước đây, thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP; góp phần hình thành khung pháp lý đồng bộ, ổn định, thông thoáng cho việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng.
Tuy nhiên, với đặc điểm của các dự án PPP là quy mô đầu tư lớn, thời gian kéo dài, quá trình triển khai thực hiện làm phát sinh các quan hệ pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau (trong đó một bên là các cơ quan có thẩm quyền), đan xen giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng. Do đó, việc thực thi pháp luật trong thực tiễn về thu hút và triển khai các dự án PPP trên thực tế thời gian qua còn gặp phải những vướng mắc, bất cập.
Từ những thực tế đã nêu, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các đề xuất, khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý tháo gỡ cho các dự án PPP, đồng thời góp ý hoàn thiện Báo cáo mà VCCI xây dựng.