[Gia Lai] Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội
Chiều 26-9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại 9 tháng và triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2023.
Tham dự hội nghị có đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tại 17 điểm cầu trong tỉnh.
Thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc nổi cộm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh 9 tháng năm 2023. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thẳng thắn đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; đồng thời, tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện các vấn đề nổi cộm còn tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo tiền đề hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 9 tháng năm 2023, UBND tỉnh đã điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên nhiều chỉ tiêu kế hoạch tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt trên 567.974 ha, tăng 11,3%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 21.825,6 tỷ đồng, tăng 9,51%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 570 triệu USD, tăng 4,59%; có 685 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,6%) với tổng vốn đăng ký 6.682 tỷ đồng (tăng 10,2%). Cũng trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 27.330,6 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Công Thành: Tính đến ngày 20-9, giá trị giải ngân vốn năm 2023 là 1.133,7 tỷ đồng, đạt 26,57% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 36,94% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 17,16% kế hoạch. Hiện có dự án khả năng không giải ngân hết vốn năm 2023 như Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, vốn còn lại chưa giải ngân kéo dài sang năm 2023 là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, đoạn tuyến đi qua huyện Chư Pưh vẫn chưa giải phóng mặt bằng, nếu không khắc phục kịp thời thì khả năng mất vốn là rất cao. Bên cạnh đó, một số dự án sử dụng nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế thì thời gian thi công còn lại ngắn nhưng hiện còn nhiều vướng mắc về thủ tục mỏ đất, giá bồi thường đất hay các thủ tục pháp lý về đất đai; dự án gặp khó do không có nguồn khai thác đất san lấp. Đáng chú ý là việc triển khai thi công lại rơi vào cao điểm mùa mưa.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng thông tin: Ước thu ngân sách thực hiện 9 tháng năm 2023 là 3.910 tỷ đồng, đạt 72% dự toán Trung ương giao, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả thu ngân sách thấp do thực hiện các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đã làm hụt nguồn thu khoảng 270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 5/10 khoản thu nội địa không đạt; 7 dự án có liên quan đến thu tiền sử dụng đất của tỉnh đến nay vẫn chưa thu được. Ngoài ra, liên quan đến kết quả giải ngân vốn, hiện tỉnh đứng ở vị trí 63/63 tỉnh, thành phố. Do vậy, đề nghị các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công cũng như khẩn trương có giải pháp hiệu quả đối với các khoản thu phát sinh, đến hạn thu để đảm bảo kế hoạch thu năm 2023.
Bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Liên quan đến các dự án chăn nuôi mà dư luận quan tâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định: Qua kiểm tra 9 dự án chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, Sở đã xử lý vi phạm đối với 7 dự án (320 triệu đồng/dự án) vì gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý là hiện nay, huyện Chư Prông có đến 61 dự án chăn nuôi heo, trong đó, 19 dự án đã có đánh giá tác động môi trường, riêng xã Ia Piơr có đến 15 dự án “siêu lớn”. Do vậy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Chư Prông cần đánh giá lại hiệu quả các dự án chăn nuôi trên địa bàn và thận trọng cho ý kiến của địa phương đối với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Báo cáo về vụ phá rừng phát hiện mới đây, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Võ Nguyên Nam thông tin: Vừa qua, huyện phát hiện vụ phá rừng tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de (thuộc địa bàn xã Sró) với diện tích rừng bị phá gần 5 ha và 600 cây gỗ các loại. Đáng chú ý là công ty này phát hiện vụ việc rất sớm nhưng không báo cáo huyện để chỉ đạo kịp thời. Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho rằng, hầu hết các vụ phá rừng trên địa bàn huyện đều xảy ra trên lâm phần do các công ty lâm nghiệp quản lý. Quan trọng hơn, vị trí phá rừng lại nằm gần trạm cửa rừng của đơn vị này. “Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT thanh-kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Bởi dù huyện chỉ đạo quyết liệt nhưng phía công ty chưa làm hết trách nhiệm của mình thì rừng tiếp tục bị xâm hại”-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro nêu bức xúc.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc xem xét, phân tích và đưa ra các giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách 3 tháng cuối năm; đánh giá kết quả cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác trồng rừng; nêu các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Liên quan đến giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đắp công trình để triển khai thi công các công trình, dự án trong thời gian còn lại của năm 2023. Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với các chủ đầu tư rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt dự án; đồng thời, hoàn thiện phương án giải phóng mặt bằng trình phê duyệt làm cơ sở bồi thường cho các hộ dân. Nhà thầu cần đảm bảo nhân công, máy móc thiết bị phục vụ thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Đ.T
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Để hoàn thành từng chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, nhịp nhàng, chặt chẽ, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý công việc theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe, đánh giá về tác động của các chính sách ban hành để kịp thời có giải pháp phù hợp đối với các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiên quyết, kiên trì khắc phục triệt để tình trạng né tránh, không giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát tất cả các chỉ tiêu đạt thấp trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 để có giải pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra, nhất là trên lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch phục vụ thi công; đồng thời xây dựng giải pháp, tiến độ cụ thể cho từng dự án. Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn đầu tư từ các dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quy định, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Liên quan đến các nội dung chỉ đạo đối với các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, quản lý chặt chẽ nguồn thu, khẩn trương có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo kế hoạch thu năm 2023, nhất là thu từ tiền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2024, đảm bảo phê duyệt vào thời điểm cuối năm 2023; tiếp tục xử lý, tháo gỡ khó khăn về đất san lấp, giá đất đối với các dự án cấp bách hoàn thành năm 2023.
Cùng với đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là các quy hoạch trọng tâm, các quy hoạch liên quan đến thu hút đầu tư, các dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án đầu tư công. Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan chuẩn bị các nội dung để UBND tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan về Dự án đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; phối hợp Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch quan tâm tổ chức tốt Festival văn hóa cồng chiêng và Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023, lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và quyết định công nhận bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê bảo đảm trang trọng, ý nghĩa.