[Gia Lai] Bán hàng trên các nền tảng số, xu hướng mới, hiệu quả cao
Bán hàng trên các nền tảng số đang trở thành xu hướng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Vì vậy, ngành Công thương Gia Lai rất quan tâm hỗ trợ các nhà sản xuất nâng cao năng lực bán hàng theo phương thức này.
Thương mại điện tử phát triển mạnh
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh đánh giá: Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và các mạng xã hội từng bước được cải thiện theo hướng nâng cao.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng online. Ảnh: V.T |
“Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn hạn chế nên hoạt động kinh doanh trên môi trường số đang đối mặt với nhiều khó khăn. Để tận dụng có hiệu quả cơ hội kinh doanh trên các nền tảng số, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Từ đó, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên nền tảng số”-ông Binh cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT thì cho hay: “Thương mại điện tử phát triển rất mạnh trong mấy năm gần đây nhưng quy mô thị trường TMĐT bán lẻ vẫn chưa lớn. Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ cả nước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2024, tỷ lệ này dự kiến đạt khoảng 10%. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký các hoạt động liên quan đến TMĐT tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, TMĐT phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi.
Theo báo cáo phân tích thị trường cho thấy, trong gần 7 tháng năm nay, doanh số bán hàng của các shop ở Gia Lai trên sàn Shopee chỉ đạt 38,4 tỷ đồng với 863.223 sản phẩm đã bán và 419 shop có lượt bán. Mặc dù Gia Lai có sản phẩm đa dạng với sản lượng lớn nhưng doanh số bán lẻ trực tuyến lại chiếm tỷ lệ khá nhỏ; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký và bán hàng trên các sàn TMĐT chưa nhiều. Vì vậy, TMĐT vẫn còn dư địa phát triển rất lớn”.
Cũng theo ông Thành, đi kèm với xu hướng TMĐT phát triển là những vi phạm phổ biến xảy ra như: hàng giả, hàng cấm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lừa đảo, gian lận, quảng cáo không đúng sự thật; không đăng ký, thông báo hoặc giả mạo thông tin đăng ký, thông báo; cạnh tranh không lành mạnh… Do đó, cần hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện hơn, các chế tài xử phạt những vi phạm cũng mạnh tay hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Nâng cao kỹ năng livestream bán hàng
Hiện nay, ngoài kinh doanh trên các sàn TMĐT thì trên các nền tảng mạng xã hội cũng nở rộ kinh doanh online dưới hình thức livestream bán hàng. Bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Tôi nhận thấy kênh bán hàng online là cơ hội rất lớn cho những nhà sản xuất nhỏ. Khi tham gia bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những người livestream trên sàn, từ cách thức cho đến phong thái nên tự tin hơn.
Từ đó, tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng. Không chỉ có khách lẻ, tôi còn kết nối với khách sỉ nên lượng hàng bán ra cũng cao hơn nhiều so với kênh bán hàng truyền thống”.
Từ những chia sẻ kinh nghiệm về cách thức livestream, nhiều nhà bán hàng đã bắt đầu tiếp cận hình thức này để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng. Ảnh: V.T |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung-Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Mega Digital cho rằng: Livestream đã trở thành một ngành. Hiện nay, hình thức livestream đã được rất nhiều nền tảng ưu tiên, từ nền tảng trải nghiệm, kết nối cho đến những sàn TMĐT. Hình thức livestream giúp người bán tạo được đơn hàng rất lớn trong một khoảng thời gian giới hạn. Nó còn giúp nhà bán hàng tối ưu được chi phí trong kinh doanh.
Thời gian đầu, chỉ có những nhà bán hàng nhỏ mới livestream. Nhưng từ sau dịch Covid-19, nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn, kể cả các tập đoàn cũng bắt đầu tham gia cuộc chơi này và từng bước chuyên nghiệp hóa.
“Tôi có thực tế qua việc livestream bán hàng được 8 năm nên cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Về cơ bản, để vận hành một buổi livestream không hề khó. Đầu tiên, chúng ta phải chuẩn bị kịch bản, cách giữ năng lượng, nắm các kỹ năng và kiến thức đối với sản phẩm để có một buổi livestream thành công.
Về kỹ thuật, phải trang bị điện thoại, thiết bị âm thanh, ánh sáng, background… Tiếp theo là lựa chọn sản phẩm phù hợp cho buổi livestream và lên lịch, chọn khung giờ cố định để tạo thói quen cho khách hàng.
Còn với những nhà bán hàng mới bắt đầu tham gia livestream trên các nền tảng thì nên làm càng nhiều càng tốt. Bởi vì khi làm nhiều, chúng ta sẽ hoàn thiện được các kỹ năng, khả năng tiếp cận khách hàng càng lớn, đồng thời sẽ biết cách lựa chọn khung giờ phù hợp với sản phẩm cần bán.
Một yếu tố kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng là tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tạo sự mới mẻ trong các buổi livestream”-bà Nhung chia sẻ kinh nghiệm.
Tính đến ngày 25-7, trên địa bàn tỉnh đã có 276 thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký website TMĐT/ứng dụng TMĐT/cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công thương tại địa chỉ: www.online.gov.vn. Trong số này có 96 website TMĐT bán hàng, 3 website cung cấp dịch vụ TMĐT, 2 ứng dụng TMĐT bán hàng đã được Bộ Công thương xác nhận website đã đăng ký/thông báo thành công. Số còn lại chưa được xác nhận do các thương nhân, cá nhân chưa đáp ứng đầy đủ thông tin trong hồ sơ theo quy định hoặc hồ sơ đang trong quá trình kiểm duyệt.