Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Vẫn còn một số lo ngại
Đánh giá cao các sửa đổi trong bản Dự thảo mới nhất của Luật Công nghiệp Công nghệ số, tuy nhiên, theo chuyên gia, Dự thảo vẫn còn một số lo ngại cần được tiếp tục xem xét, tiếp thu chỉnh sửa…
Chiều 29/8, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Theo đó, nhằm có thêm căn cứ thực tiễn, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Luật Công nghiệp công nghệ số, chiều 29/8, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Nguyễn Phương Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Nguyễn Phương Tuấn cho biết, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ số để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Luật được nghiên cứu xây dựng nhằm khắc phục tồn tại, bất cập trong thi hành quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin; đề xuất chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển, đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số…
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu, các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp
“Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh, khái niệm công nghệ số, phát triển công nghiệp công nghệ số, tài sản số, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp công nghệ số, quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số… các ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI điều phối phiên thảo luận
Dưới sự điều phối của ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu tham dự.
Bà Nguyễn Thị Thư – Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các sửa đổi trong bản Dự thảo mới nhất của Luật Công nghiệp Công nghệ số khi đã ghi nhận các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, vẫn còn một số lo ngại…
Bà Nguyễn Thị Thư – Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Trưởng Ban Kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tham gia góp ý Dự thảo
Cụ thể, để tránh nhầm lẫn, chồng chéo giữa Luật Công nghiệp Công nghệ số và các luật hiện hành khác, bà Thư cho hay, trong lĩnh vực dữ liệu số, điều quan trọng là phải hài hòa các định nghĩa và quy định với các luật hiện hành để duy trì tính nhất quán và tránh nhầm lẫn.
“Chúng tôi nhận thấy rằng quy định tại Luật này có khả năng chồng chéo với các quy định khác của Luật Dữ liệu và Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân… chúng tôi thực sự không khuyến khích sử dụng luật này để thay thế luật hiện hành. Việc thúc đẩy các thay đổi thông qua một luật khác sẽ mở ra cánh cửa cho sự mơ hồ về luật nào điều chỉnh vấn đề nào và sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ nhiều hơn”, bà Thư chia sẻ.
Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật, bà Thư cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét một số nội dung nhằm tạo ra một cách tiếp cận bình đẳng và cân bằng để quản lý ngành một cách hiệu quả; Phân biệt rõ ràng trách nhiệm giữa nhà cung cấp/nhà phát triển và bên triển khai; Bổ sung định nghĩa rõ ràng cho các công nghệ mới; Quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;…
Bà Nguyễn Huyền Minh – Luật sư cao cấp Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN tham gia góp ý tại Hội thảo
Quan tâm đến quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo, tham gia góp ý Dự thảo Luật, bà Nguyễn Huyền Minh – Luật sư cao cấp Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN cho rằng, cách tiếp cận của Luật Công nghiệp Công nghệ số để xác định các hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, không thống nhất (và đang đi ngược lại) với các tiêu chuẩn quản lý trí tuệ nhân tạo đã tồn tại và đang được áp dụng trên thế giới.
Cụ thể, theo bà Minh, để phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong tương lai, Ban soạn thảo nên cân nhắc không nên điều chỉnh các công nghệ một cách cụ thể (ví dụ công nghệ trí tuệ nhân tạo) mà nên tập trung vào quản lý việc sử dụng các công nghệ đó.
Đồng thời cũng đề nghị Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra xác định rõ ràng các tiêu chí để xác định “hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao” (ví dụ, liệt kê những cách sử dụng nào được xem là có rủi ro cao).
“Chúng tôi cũng kiến nghị rằng phạm vi của “hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao” chỉ nên được hạn chế ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao/tiên tiến (và có thể có ảnh hưởng lớn), ví dụ như hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Ban soạn thảo tham khảo quy định quốc tế mang tính tiêu chuẩn – Phụ lục III kèm theo Đạo Luật về trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu – quy định về các lĩnh vực và điều kiện cụ thể để một hệ thống trí tuệ nhân tạo bị coi là có rủi ro cao”, vị chuyên gia này góp ý.
Cùng với các vấn đề đã nêu, tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị, Dự thảo Luật bổ sung các khái niệm, định nghĩa về công nghệ mới; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tận dụng công nghệ số, nhất là chú trọng ngành điện toán đám mây, nhằm giúp các doanh nghiệp phân tích cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Về quản lý Nhà nước đối với công nghiệp công nghệ số, có ý kiến đề nghị nên quản lý rủi ro, vừa làm vừa theo dõi, vừa sửa, không nên cứng nhắc. Nếu quản lý quá chặt sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển…