Dự báo ‘sức khỏe’ kinh tế Việt Nam năm nay
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa cập nhật dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
Ngày 22/6, VEPR công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2023. TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR – cập nhật dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay, kỳ vọng 2 quý cuối năm tăng trưởng khoảng 7%.
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế theo dự báo của VEPR.
Tại kịch bản cơ sở, ông Việt cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 6%, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) bình quân của năm khoảng 4%. Kịch bản này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ 0,5%; nhiều khả năng xảy ra, trong điều kiện các yếu tố bên ngoài (xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam) không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt, phù hợp. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Theo VEPR, kịch bản này ít khả năng xảy ra, nhưng cũng có thể khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của Trung Quốc tạo cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Cuối cùng, ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Kịch bản này cũng ít có khả năng xảy ra, trừ trường hợp diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn.
Ông Việt phân tích, cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam là các chính sách điều hành gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước. Nhiều ngành có điều kiện tăng cường xuất nhập khẩu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư, và FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
Tuy nhiên, theo VEPR, các động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đều suy giảm mạnh. Kinh tế quý I tăng trưởng chỉ 3,32%, mức thấp nhất trong điều kiện bình thường, kể từ năm 1990.
Năm tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm tới 18,4% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh mẽ từ quý III/2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tiếp tục suy giảm trong 5 tháng đầu năm 2023, tụt xa so với mức trung bình 50 điểm.
Năm tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập mới, tỷ lệ cao chưa từng có.
Báo cáo kinh tế của VEPR có điểm quan trọng vào tình hình doanh nghiệp. Nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm, trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Bên cạnh đó, một phần tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra ngoài để hưởng lãi suất tiền USD cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.