Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam do S&P Global mới công bố đạt 51,2 điểm, tăng so với 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt ngưỡng 50, tức vùng mở rộng.
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết lượng đơn đặt hàng mới đã tăng lên. Hiện nhiều nhà sản xuất hoạt động trở lại với công suất tối đa.
Cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III do hãng tuyển dụng và tính lương Adecco cũng cho biết ngành sản xuất, chế tạo chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và 52% so với quý II. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội của công ty, cho hay nhu cầu ngày càng tăng với các vị trí chuyên môn như trưởng bộ phận sản xuất, quản lý chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng.
Đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý sau luôn cao hơn quý trước. IIP 9 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%.
FDI dẫn dắt đơn hàng
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 335 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, trong đó động lực lớn đến từ khối FDI.
Điều này được ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba), dẫn chứng các công ty FDI có đơn hàng đến cuối năm, nhưng khối thuần Việt vẫn “chạy cơm từng bữa”.
Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) khi giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tuần rồi, cũng cho biết từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10 vẫn không có đơn hàng, cho thấy doanh nghiệp nội còn chật vật.
Theo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới – đánh giá xu hướng đơn hàng – của khu vực FDI đạt 17,8% trong quý III (đứng sau doanh nghiệp nhà nước) và 27,4% vào quý IV, cao nhất trong các khu vực loại hình doanh nghiệp. Ngược lại, nhóm tư nhân có chỉ số này thấp nhất cả hai quý III và IV.
Ngoài ra, đơn hàng tăng mạnh còn nhờ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng đang rõ nét đến Việt Nam.
Một khảo sát về chuyển dịch sản xuất vào tháng 5/2024, công bố cuối tháng 9 của S&P Global cho biết Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng chuyển dịch trong 4 thị trường (Việt Nam, Malaysia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ) mà tổ chức này nghiên cứu.
Cụ thể, gần 37% nhà sản xuất cho biết nhu cầu nhân sự đã cải thiện trong 12 tháng qua do chuyển dịch sản xuất, cao nhất trong 4 quốc gia. Các công ty lớn ở Việt Nam đều lạc quan về khả năng thu được lợi từ việc chuyển dịch sản xuất này.
Adecco cũng cho hay nhu cầu nhân sự ngành sản xuất đang tăng do dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào, đặc biệt là trong các ngành điện tử, dệt may và năng lượng tái tạo.
Surajit Rakshit, Giám đốc Toàn quốc Khối Giải pháp Thương mại Toàn cầu của HSBC Việt Nam, dự báo Việt Nam còn nhiều cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 10 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký gần 26 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó, FDI Trung Quốc tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD năm 2023, chiếm hơn 19% tổng vốn FDI. Trong 9 tháng, nước này cũng là đối tác dẫn đầu về số dự án và đứng thứ 2 về vốn rót.
Vẫn còn những thách thức
FDI đóng vai trò đáng kể trong chuyển dịch sản xuất và mang đơn hàng đến Việt Nam. Dẫu vậy, còn vài bài toán đặt ra, bao gồm nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa và vấn đề lẩn tránh xuất xứ.
Về vấn đề năng lực cạnh tranh, ngành gỗ nội thất là ví dụ. Ngành này có biên lợi nhuận giảm dần nhưng vẫn thu hút doanh nghiệp ngoại. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), nói đơn hàng đã dịch chuyển sang Việt Nam từ 2018. Tuy nhiên, bức tranh ai hưởng lợi, cạnh tranh giữa nội – ngoại còn khó đoán định.
“Để giành cơ hội chuyển dịch đơn hàng, doanh nghiệp nội địa phải có tiềm lực từ công nghệ, nhà xưởng, lao động và vốn”, ông chỉ ra.
Theo ông Phương, khi chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam, các công ty nước ngoài cũng đã có đầu ra, họ sử dụng chuỗi cung ứng riêng hoặc thậm chí là tìm được đầu vào tốt ngay tại Việt Nam. “Đó là những điểm hay mà mình cần tìm hiểu, học hỏi”, ông nêu. Hiện Mỹ là thị trường nhập đồ gỗ nội thất lớn nhất của Việt Nam.
Lẩn tránh xuất xứ cũng cần lưu ý. Theo ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dự báo vẫn thuận lợi bất kể tổng thống tiếp theo là ai. “Tuy nhiên, rủi ro nhỏ là nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa các nước (nhất là Trung Quốc) vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam”, ông nhận định.
Mặt hàng thiết bị điện mặt trời là ví dụ. Năm ngoái, Washington áp thuế lên các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và tiếp tục nhận được khiếu nại từ các nhà sản xuất trong nước.