Doanh nghiệp đánh giá tích cực về ngành Thuế, Hải quan
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, VCCI nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) đánh giá tích cực về ngành thuế và hải quan trong việc giúp DN hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn.
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại chính sách thuế, hải quan do VCCI tổ chức mới đây, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt mức kỷ lục trên 1,8 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 6,3% và tăng 16,1% so với cùng kỳ có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN
Trong năm 2024, ước tính số lượng các DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tính đến tháng 10/2024 đạt 183.000 DN, với số vốn đăng ký ước trên 1,5 triệu tỷ đồng, so với năm 2023 tăng khoảng 2% về số DN và trên 4% về vốn đăng ký.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, mặc dù năm 2024 trong nước có nhiều khó khăn, thách thức cho các DN, vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, nhưng cộng đồng DN ghi nhận các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các DN trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Trong đó Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác DN với các cơ quan thuế, hải quan.
“Bộ Tài chính cũng đã chủ động thực hiện những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, DN và tổ chức đánh giá cao, luôn là cơ quan liên tục đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI cho biết, tính từ Hội nghị đối thoại trong năm 2023, VCCI đã tập hợp ý kiến cùng với Bộ Tài chính giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của DN theo các quy mô khác nhau như: các hội nghị đối thoại quy mô toàn quốc, vùng, địa phương; bao gồm cả các vướng mắc mang tính cá biệt và các vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật, qua đó giúp các đơn vị chức năng của Bộ xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các DN.
Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, các số liệu này không bao gồm hàng loạt các chương trình tập huấn, đối thoại, gặp gỡ do chính các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính trực tiếp triển khai hoặc thông qua các cơ chế tham vấn khác nhau với VCCI trong quá trình sửa đổi, ban hành pháp luật về thuế, hải quan.
“Một số vướng mắc, khó khăn kéo dài cũng đã và đang được VCCI trao đổi với các Cục thuế, hải quan liên quan xem xét giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN…”- ông Công thông tin.
Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị này và các hội nghị theo các quy mô, hình thức khác nhau, VCCI đã nhận được nhiều ý kiến, đánh giá tích cực của các DN, hiệp hội DN về ngành thuế và hải quan khi áp dụng các quy định mới phù hợp với DN, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giúp DN hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn.
“Tuy vậy, chúng tôi cũng ghi nhận gần 100 ý kiến gửi đến VCCI qua Diễn đàn DN VBF 2024 và phiếu thông tin của các DN quy định về hoàn thuế, mức tính thuế, tính thống nhất trong áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, một số vướng mắc phát sinh từ sự thay đổi chính sách của quốc gia mà DN có hoạt động xuất nhập khẩu. …” – Chủ tịch VCCI cho biết.
Ông Công cũng nói rõ, các ý kiến, kiến nghị này đã được VCCI chuyển tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xem xét, giải đáp, sửa đổi các quy định, quy trình, quy định liên quan đối với DN khi thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan.
Với sự đồng hành của VCCI, tại Hội nghị đối thoại, nhiều DN tiếp tục có ý kiến, kiến nghị và đã được các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xem xét, giải quyết và sẽ chuyển đến các DN liên quan qua đó tiếp tục giúp đỡ các DN ổn định và duy trì đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 15/11/2024, Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Số DN đang kinh doanh (MST 10 số) sử dụng khai thuế qua mạng của toàn quốc đạt 99,93% trên tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn cả nước.
Trong đó, có 16/64 Cục thuế có tỷ lệ DN khai thuế qua mạng đạt trên 99,9% và 100% Cục thuế có tỷ lệ DN khai thuế qua mạng đạt trên 91%; Tổng số DN tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử trên toàn quốc đạt tỷ lệ 98,57%. Tỷ lệ DN, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử đạt 97%.