Đại diện Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 cho biết xuất khẩu dệt may đang có dấu hiệu phục hồi, công ty đã có đơn hàng đến tháng 6.
“Người mua tại thị trường Mỹ đã quay trở lại nên quý I doanh số của công ty tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2023”, đại diện may Sài Gòn 3 nói.
Tương tự, tại Tổng Công ty May 10, CEO Thân Đức Việt cho biết ba tháng đầu năm, doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu 15% so với cùng kỳ năm trước. Công ty có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, thậm chí một số chủng loại có đơn đến quý III.
Theo CEO này, May 10 đang tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để có thêm doanh thu. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm ngoái.
Cũng đánh giá thị trường ấm lại, Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công đặt mục tiêu doanh thu 3.707 tỷ đồng, lãi ròng tăng 20% so với năm trước, lên 161 tỷ đồng.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – cũng nhìn nhận thị trường đã có tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng trở lại so với cùng kỳ đang giúp doanh nghiệp dệt may dần phục hồi. Kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 44 tỷ USD năm nay là hoàn toàn có khả năng.
Theo ông Giang, thông qua các hội chợ dệt may từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa khi tham gia triển lãm SaigonTex & SaigonFabric tại SECC TP HCM ngày 10-13/4 tới. VITAS sẽ chủ trì tổ chức kết nối các nhà triển lãm và người mua hàng với nhau.
Số liệu mới nhất từ Hải quan cho thấy quý I, kim ngạch xuất toàn ngành dệt may đạt trên 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ 2023.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng.
Ngành dệt may phát tín hiệu ấm dần, nhưng theo các doanh nghiệp họ vẫn khá lo lắng vì xung đột ở Biển Đỏ, căng thẳng Nga – Ukraine, chiến tranh thương mại giữa các nước ngày càng phức tạp.
Ông Thân Đức Việt – CEO May 10, cho rằng biến động thế giới khiến hầu hết doanh nghiệp không dám kỳ vọng cao. Đặc biệt “nút thắt” biển đỏ đang làm cho chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị teo tóp. Ngoài ra, doanh nghiệp bị áp lực khi phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số…
Đồng quan điểm, theo ông Vũ Đức Giang, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam. Cho nên, dệt may nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận xanh EU. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng theo nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm ngoái, xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2022, tồn kho lớn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU khiến sức mua giảm, lãi suất tăng cao, chênh lệch tỷ giá đè nặng lợi nhuận doanh nghiệp.