Đề xuất di dời 1 ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc – Nam
Dự án dời ga gồm cả xây dựng quảng trường nhà ga kết hợp với công viên.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về nội dung hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án di dời ga Đà Nẵng làm cơ sở hoàn thiện, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền ở bước tiếp theo.
Chính quyền TP Đà Nẵng còn đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn thủ tục, cách thức triển khai các bước tiếp theo và đồng hành cùng địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện dự án.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP Đà Nẵng dự kiến chia Dự án di dời ga Đà Nẵng theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 Dự án có mục tiêu di dời ga đường sắt Đà Nẵng về vị trí mới để phục vụ tái phát triển đô thị khu vực nội đô. Trong giai đoạn này, Dự án sẽ giữ nguyên hướng tuyến đường sắt hiện tại trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nhánh đường sắt cụt từ đường vòng Thanh Khê qua ga Thanh Khê về đến ga Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi công năng thành đường sắt đô thị.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách mới cách ga Đà Nẵng hiện hữu về phía Hà Nội khoảng 4,2 km – nằm trên đường sắt hiện có tại khu vực Hồ Trung Nghĩa (phía trước đường vòng Thanh Khê) thuộc phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu.
Nhà ga hành khách có diện tích khoảng 3.000 m2, cao 10 tầng để phục vụ tác nghiệp đón tiếp hành khách đi tàu. Bên cạnh đó, Dự án sẽ xây dựng quảng trường nhà ga kết hợp với công viên hồ Tây của thành phố để kết nối giao thông với các đường phố lân cận nhà ga.
Diện tích công viên kết hợp với quảng trường nhà ga rộng khoảng 14.000 m2. Cũng trong giai đoạn 1, Dự án sẽ nâng cấp cải tạo ga Kim Liên hiện hữu tại phường Hiệp Hoà Bắc, quận Liên Chiểu thành ga khu đoạn có tác nghiệp vận chuyển hàng hóa để phục vụ vận chuyển hàng hoá đi đến khu vực TP. Đà Nẵng với công suất xếp dỡ khoảng 500.000 tấn/năm.
Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 781 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 1.190 tỷ đồng…
UBND TP Đà Nẵng đề xuất triển khai Dự án di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2030, trong đó giai đoạn xây dựng từ quý 3/2026 đến năm 2030. Ga đường sắt hành khách mới sẽ hoạt động đến năm 2050.
Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ di dời tuyến ga, đường sắt khu vực TP Đà Nẵng theo quy hoạch, trong đó điểm nhấn là việc xây dựng ga hành khách mới tại xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng bao gồm ga đường sắt quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Ước tính chi phí Dự án giai đoạn 2 là 3.812 tỷ đồng.
Ga Đà Nẵng hiện tại sẽ phát triển theo hướng TOD, CBD
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà – Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tái phát triển khu vực Ga Đà Nẵng hiện trạng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng chính kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng phát triển TOD và CBD.
Trong đó, TOD là Transit Oriented Development – mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở. CBD, viết tắt của Central Business District (Quận kinh doanh trung tâm trong tiếng Anh), là khu vực trung tâm các thành phố lớn hoặc các khu vực có khả năng tiếp cận cao nhất.
Ngoài ra, xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân – Túy Loan, tuyến đường từ đường Vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn – Túy Loan (phía sau Khu công nghệ cao), kết nối đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài, từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới để tạo thành trục chính kết nối Đông – Tây.
Đà Nẵng sẽ xây dựng hai tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc – Nam (sau khi di dời ga đường sắt hiện trạng ra khỏi trung tâm thành phố) để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD.
Cùng đó là xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế).