Đạo đức… tối thượng!

VCCI đang nỗ lực làm rõ nội hàm, khái niệm, cách thức xây dựng và lan tỏa sâu rộng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022”. Ảnh: Quốc Tuấn

Không phải ngẫu nhiên trong Lễ lỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ Đại hội XIII đã đề ra là “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.

Yêu cầu cấp thiết

Đồng thời, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng của các doanh nhân trong thời gian gần đây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường tài chính. Tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, không đại diện cho bản chất của doanh nhân Việt Nam nhưng nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bởi qua đó không chỉ bộc lộ những lỗ hổng trong, quản lý, giám sát nhà nước mà còn cho thấy thiếu hụt nền tảng các chuẩn mực đạo đức.

Đây cũng chính là lý do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng và công bố Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm gồm 6 quy tắc: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Trên cơ sở đó, VCCI sẽ cụ thể hoá 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, lượng hoá thành các tiêu chí để doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hành. Các tiêu chí sẽ được cập nhật chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tế.

“VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới. Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh là những phạm trù lớn, phức tạp. Để xây dựng thành công cần có sự nghiên cứu từ cơ sở lý luận đến chiến lược, giải pháp tổ chức thực hiện” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.

“Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy quá trình này. Để xây dựng văn hoá kinh doanh, các doanh nghiệp cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành quy tắc đạo đức doanh nhân, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết.

Nền tảng tinh thần

Có một câu nói đã trở quen thuộc: “pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa”. Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những chuẩn mực nguyên tắc xã hội, điều chỉnh hành vi cũng như đánh giá hành vi của người khác theo quan điểm thiện ác, về cái được làm và cái không nên làm. Trong khi, pháp luật thể hiện thông qua các quy tắc xử sự (việc được làm, không được làm), có tính chất bắt buộc, chính xác, thống nhất, được cưỡng chế bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói cách khác, đạo đức mang nhiều định tính còn pháp luật mang tính định lượng.

Theo Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến. Tôi muốn đề cập đến những khát vọng phát triển của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh, Nhà nước vẫn đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh doanh thì đạo đức chính là nền tảng tinh thần để các doanh nghiệp, doanh nhân chủ động thực hiện các quy định của pháp luật. Với vai trò chủ thể, ý thức đạo đức doanh nhân sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc tuân thủ pháp luật kinh doanh, hình thành văn hoá kinh doanh.

“Doanh nghiệp các nước phát triển đang phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức, văn hoá kinh doanh. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển.

Việc VCCI xây dựng Quy tắc đạo đức doanh nhân chính là để hướng tới những giá trị kết tinh, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp, tương xứng với các khát vọng phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XIII đề ra.”- ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

DĐDN trân trọng giới thiệu loạt bài: hướng tới giá trị của doanh nhân thời đại mới. DĐDN kính mời các chuyên gia và đông đảo bạn đọc cùng chúng tôi lan toả hơn nữa giá trị doanh nhân thời đại mới. Mọi thông tin góp ý, bài viết xin gửi về: toasoan@dddn.com.vn (tác phẩm được đăng tải sẽ được toà soạn trả nhuận bút đặc biệt).

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp