[Đắk Lắk] Đổi mới tư duy để bứt phá trong khởi nghiệp
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được xem là động lực, nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Chính vì lẽ đó, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Hưởng ứng tích cực tinh thần quốc gia khởi nghiệp, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ”. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DN đang được tỉnh tập trung hoàn thiện. Đồng thời, công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN phát triển.
Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp và thành lập khu làm việc chung (Không gian khởi nghiệp tỉnh). Hội Doanh nhân trẻ đã thành lập Công ty Cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp Đắk Lắk, với nhiệm vụ ươm tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và hỗ trợ startup từ những bước khởi đầu sơ khai. UBND tỉnh và Trường Đại học Tây nguyên cũng đã phối hợp thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh, với mục tiêu hướng đến là xây dựng và phát triển Trung tâm trở thành đơn vị thực hiện vai trò đầu mối về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Ông Chu Quang Thái (bìa phải), Thường trực phía Nam Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao đổi với doanh nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Vạn Tiếp
Bên cạnh đó, các doanh nhân thành đạt trong tỉnh đã cùng nhau thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với số vốn ban đầu là 1,9 tỷ đồng nhằm giúp giải quyết bài toán khó khăn về vốn cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nhưng thiếu nguồn lực về tài chính để khởi nghiệp.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: Chương trình kết nối giữa DN với học sinh, sinh viên và thanh niên khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo; Ngày hội khởi nghiệp tỉnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức cho các dự án khởi nghiệp/sản phẩm khởi nghiệp được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ/hội nghị kết nối giao thương trong nước và quốc tế…
Cần đổi mới tư duy
Theo ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Đồng trưởng Làng Design Thinking – Techfest VN (Làng tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo) thuộc Hệ sinh thái Techfest quốc gia, Giám đốc Công ty Truyền thông và Hướng nghiệp Happy Key, thời gian qua, Đắk Lắk đã quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả cao theo như yêu cầu tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Để tạo bứt phá lớn trong thời gian tới, tỉnh cần có những định hướng, giải pháp trong tư duy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trước tiên là cần đồng nhất vai trò thực hiện nhiệm vụ này cho một đơn vị duy nhất để thực hiện hiệu quả. Sau đó, cần tăng cường vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk trong hoạt động gắn kết với các thành tố trong hệ sinh thái, gồm: Nhà nước, DN, nhà sản xuất, nhà trường và khách hàng. Từ đó thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo để thương mại hóa, đi vào thực tiễn của kinh doanh, tạo ra doanh thu. Hơn nữa, cần tăng cường đào tạo, huấn luyện cho các startup, các đơn vị giáo dục về tư duy khởi nghiệp. Đặc biệt, phải ươm tạo và phát triển được đội ngũ chuyên gia về huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay tại địa phương đễ sẵn sàng đáp ứng được công tác giáo dục, huấn luyện. Muốn vậy, chúng ta phải có cơ chế tốt để nguồn nhân lực là các chuyên gia này làm việc lâu bền tại địa phương. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động kích hoạt tư duy sáng tạo, đổi mới tại trường học thông qua việc trao động lực về việc làm cho lực lượng sinh viên, học sinh.
Mới đây Làng Design Thinking thuộc Hệ sinh thái Techfest quốc gia đã ra mắt Làng – Đồng trưởng Làng Design Thinking Khu vực Tây Nguyên. Làng Design Thinking có vai trò lớn trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, bởi lẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới tư duy trong hoạt động khởi nghiệp mà còn kết nối tri thức sáng tạo, cung cấp giải pháp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các đơn vị của địa phương. Đồng thời Làng Design Thinking cũng giới thiệu bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Rừng Mưa – một hình mẫu cho các startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia khởi nghiệp, việc vận dụng dự án Rừng Mưa sẽ là một lợi thế để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng như khu vực Tây Nguyên nói chung.
Tại lễ ra mắt Làng – Đồng trưởng Làng Design Thinking Khu vực Tây Nguyên, Làng Design Thinking đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm xúc tiến đầu tư Đắk Lắk nhằm triển khai các hoạt động hợp tác kết nối, phát triển mạng lưới, đào tạo để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; thí điểm, thử nghiệm, áp dụng, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, hỗ trợ các công trình nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tiễn…