[Đà Nẵng] Tìm hướng cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, thành phố Đà Nẵng xếp vị trí thứ 9 trên tổng số 63 tỉnh thành, rớt 5 bậc so với năm 2021.
Như vậy sau nhiều năm thuộc top đầu, mấy năm gần đây, chỉ số PCI của Đà Nẵng liên tục tụt hạng. Đâu là nguyên nhân, giải pháp nào để cải thiện chỉ số này.
Cách đây 10 năm, Công ty TNHH Sản xuất chế biển kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng có văn bản xin thuê 4.000 mét vuông đất để mở rộng sản xuất. Địa điểm doanh nghiệp này xin thuê là cụm Công nghiệp sản xuất nhỏ tại khu vực kho tàng đèo Đại La, thuộc Cụm Công nghiệp Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Nhiều năm qua, công ty gặp khó khăn vì mặt bằng sản xuất ở khu dân cư Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam quá nhỏ, thậm chí phải cắt giảm công nhân từ 116 người xuống còn 94 người để nhường chỗ chứa hàng…
Công ty liên tục đề nghị được đấu giá đất tại Cụm Công nghiệp Hòa Khánh Nam để xây dựng xưởng sản xuất để sớm thoát khỏi cảnh bức bối và rủi ro có thể xảy ra do mặt bằng sản xuất hiện nay quá chật chội. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết.
Nhà xưởng chật chội của Công ty TNHH Sản xuất chế biển kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế bày tỏ: “Đà Nẵng chưa phát huy hết các tiềm năng sẵn có của mình, cần phải giải phóng nguồn lực đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp đã đầu tư rồi thì họ phải phát triển. Ví dụ như doanh nghiệp chúng tôi chẳng hạn. Việc thiếu đất đã điễn ra 10 năm nay rồi, Bí thư Thành ủy cũng đã lên rồi, lãnh đạo thành phố lên rồi, các sở các ngành lên rồi đều thừa nhận điều đó. Vậy mà đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được bởi vì theo tôi biết, cụm Công nghiệp Hòa Khánh Nam đang nằm trong giai đoạn giải tỏa”.
Theo phân tích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đánh giá của doanh nghiệp về năng lực điều hành kinh tế của Đà Nẵng thì 6 chỉ số được doanh nghiệp chấm điểm giảm. Đó là chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Trong đó, chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhiều nhất với -1,31 điểm. Chỉ số tiếp cận đất đai của Đà Nẵng giảm 0,9 điểm nhưng là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng.
Chỉ số tiếp cận đất đai của Đà Nẵng sụt giảm
Trong khi đó, chỉ số gia nhập thị trường cũng giảm rất nhiều. Cụ thể, thời gian trung bình các doanh nghiệp bỏ ra để làm thủ tục đi vào hoạt động là 10,5 ngày, trong khi các tỉnh trung bình là 7 ngày, tỉnh khá là 5 ngày và nhiều tỉnh làm tốt chỉ cấp phép đầu tư trong vòng 1 ngày.
Về mặt chủ quan, thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn như nguồn lực của thành phố vẫn chưa được khơi thông khiến cho việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Cụ thể là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tập trung đầu tư. Ngoài ra, quỹ đất có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, làm cơ sở để thu hút đầu tư. Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án của tòa…
Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố Đà Nẵng cần nhận diện từng chỉ số để có giải pháp cụ thể. Các cơ quan đơn vị cần thể hiện sự chủ động khi chính sách pháp luật Trung ương có điểm chưa rõ hơn là phải đợi xin ý kiến chỉ đạo hoặc không làm gì, tránh tình trạng “Doanh nghiệp hỏi- chính quyền im lặng”.
Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng nêu ý kiến: “Hiện nay chủ trì là các sở ban ngành liên quan, nhưng mà dù gì đi nữa cũng là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng thôi. Nên chăng là tích hợp hết vào đó, để doanh nghiệp họ chỉ có đọc một cái gọi là chính sách hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng là đủ. Trong đó tổng hợp, tập hợp tất cả các chính sách hỗ trợ để ai mà đủ điều kiện thì đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ. Thứ hai nữa là nên chăng thành phố cần có một đội ngũ hoặc một bộ phận như Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp chẳng hạn biên tập lại gọn gàng thôi”.
Đẩy nhanh đầu tư công là một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI của Đà Nẵng
Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện thành phố tập trung phối hợp với các bộ ngành Trung ương khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các kết luận thanh tra, quy hoạch, thủ tục đầu tư.
“Đối với công tác về đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang tích cực triển khai nội dung cải thiện nội dung này. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hỗ trợ các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư, tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các nguyên nhân hạn chế vừa rồi thì sắp đến trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố sẽ rà soát từng chỉ số thành phần. Từ đó các ngành rút kinh nghiệm và đẩy nhanh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Đà Nẵng”. Ông Lê Minh Tường nói.
Về phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, thành phố Đà Nẵng khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư và đưa vào sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghiệp phục vụ xúc tiến đầu tư, phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2. Thành phố cũng sẽ sớm đưa vào khai thác, vận hành Cụm công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao, sớm lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Ninh…Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tích cực chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát theo dõi, báo cáo kịp thời để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp. Tổ xúc tiến đầu tư thường xuyên tháo gỡ các vướng mắc từ các dự án. Chúng tôi hàng tháng đều họp tổ này để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Trong tất cả những việc tháo gỡ về vấn đề đất đai, các công trình, chúng tôi đều có văn bản chỉ đạo và có tiến độ cụ thể”./.