[Đà Nẵng] Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu để làm tốt công tác cải cách hành chính
Ngày 14-11, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC 10 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: T.PHƯƠNG
Cải cách hành chính góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tóm tắt về kết quả CCHC 10 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023. Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện; góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là việc phân cấp trong giải quyết TTHC, từ tháng 9-2022 đến nay, 13/21 bộ, ngành đã ban hành và tham mưu ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để thực thi phương án phân cấp 136/699 TTHC. Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh (QĐKD), các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 VBQPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 2483 QĐKD.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93%, tăng 16,15%; các địa phương đạt 40,91%, tăng 27,77%. Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42%, tăng 30,73%; địa phương đạt 70,15%, tăng 31,31%.
2 tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Đồng thời đề nghị tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, tuyên truyền về tình hình thực hiện CCHC.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, ngày 1-7-2021, Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ đó, thành phố xác định việc thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14.
Về phân cấp, thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm thực hiện phân cấp 18 nội dung trên các lĩnh vực trọng tâm như tổ chức nhân sự, đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên môi trường. Đối với việc ủy quyền, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 83 nội dung quản lý trên tất cả các lĩnh vực.
Qua phân cấp, ủy quyền, các sở ngành đã thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, giảm ít nhất 20 đầu công việc, thủ tục tại UBND thành phố; rút ngắn quy trình và giảm thời gian giải quyết các TTHC, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, đất đai, đô thị.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, việc phân cấp, ủy quyền nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là các giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Đồng thời, thông qua việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc cơ quan phối hợp.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương trong công tác CCHC. Nhìn chung, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng TTHC vẫn còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ TTHC ở một số lĩnh vực. Đề nghị Tổ công tác cải cách TTHC (Tổ Công tác) của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và giải quyết các vướng mắc về thủ tục CCHC của người dân, doanh nghiệp tại các địa phương được phân công phụ trách.
Đồng thời, đề nghị 63/63 địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo phải do chủ tịch UBND quận, huyện đứng đầu; cần đẩy mạnh vai trò người đứng đầu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm tốt công tác CCHC tại địa phương; trong đó chú trọng công tác phân cấp, ủy quyền trong việc giải quyết TTHC.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc giải quyết các TTHC cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.