[Đà Nẵng] Năm 2030, Đà Nẵng là thành phố số, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh ASEAN

Bảy năm nữa, năm 2030, Đà Nẵng sẽ là thành phố số, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh và kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN

Theo Kế hoạch Quản trị và Phát triển hạ tầng dữ liệu TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ có 100% dữ liệu cơ bản nhất tạo nền tảng cho Chính quyền số; tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; 100% dịch vụ cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày.

100% kết quả thủ tục hành chính phát sinh từ năm 2016 được số hóa, lưu trữ trong Kho kết quả số thủ tục hành chính; sử dụng ít nhất 10 loại dữ liệu số chuyên ngành để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công.

100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội được sử dụng báo cáo điện tử và được kết nối, tích hợp, chia sẻ; được phân tích để phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, đến năm 2025, Đà Nẵng có tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% các cơ sở dữ liệu TP, cơ sở dữ liệu của sở, ngành, địa phương phải được quản lý, lưu trữ ở kho dữ liệu dùng chung TP và kết nối đồng bộ thông suốt với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP, Cổng dữ liệu mở của TP.

100% các sở, ngành, địa phương tham gia cung cấp dữ liệu mở. Tối thiểu mỗi cơ quan cấp sở, cấp huyện ban hành và duy trì cập nhật được 5 bộ dữ liệu mở mới mỗi năm. Đến cuối giai đoạn, cả thành phố cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở; trong đó có tối thiểu 50 bộ dữ liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm mới.

100% các sở, ngành, địa phương mỗi năm có ít nhất một sáng kiến sử dụng dữ liệu trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới AI, Big data để hỗ trợ ra quyết định. Ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để góp phần tạo ra ít nhất 3 sản phẩm du lịch mới cho TP.

Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số khối tỉnh thành

Đặc biệt, đến năm 2025, mỗi người dân TP Đà Nẵng sẽ có mã ID y tế duy nhất và có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh, không sử dụng bệnh án giấy; mỗi học sinh có mã ID duy nhất và có hồ sơ học bạ điện tử, liên thông giữa các cấp.

Định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ được định vị là thành phố số, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh và kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Hạ tầng dữ liệu TP bền vững, bao phủ các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Chính quyền hoạt động dựa trên dữ liệu; dữ liệu đóng vai trò then chốt trong quyết định chỉ đạo điều hành, quản trị TP. Kinh tế dữ liệu phát triển đi sâu vào hoạt động của xã hội, chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế tại địa bàn.

Có tối thiểu 30% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; sử dụng ít nhất 100 loại dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công; tối thiểu 70% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Đồng thời, thiết lập và công bố 5.000 bộ dữ liệu mở để công khai cho tổ chức công dân, doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 500 bộ dữ liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm mới. Ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để góp phần tạo ra ít nhất 5 sản phẩm du lịch mới cho TP.

Theo Viettimes