Báo cáo trước kỳ họp HĐND thành phố ngày 12-14/12, UBND TP Đà Nẵng cho biết mô hình trung tâm tài chính Đà Nẵng gồm 3 cấu phần. Trung tâm tài chính offshore thu hút các nhà đầu tư quốc tế thành lập định chế tài chính, tổ chức thị trường cung cấp dịch vụ offshore mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực.
Cấu phần thứ hai là fintech sẽ cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù, kết nối dịch vụ fintech và tài trợ các startup trong lĩnh vực kinh doanh khác. Cấu phần cuối cùng là các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm cùng dịch vụ tiện ích khác.
Đà Nẵng dự kiến xây dựng khu vực trung tâm tài chính khu vực qua Cầu Rồng về hướng biển. Ảnh: Nguyễn Đông
UBND TP Đà Nẵng đưa ra lộ trình xây dựng theo 4 giai đoạn. Năm 2022-2023, thành phố hoàn thiện đề án và trình Chính phủ phê duyệt, Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành nghị quyết. Năm 2023-2024, thành phố lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu, chi tiết và đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng Phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Từ năm 2024 đến 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp… và hạ tầng mềm như tài chính, công nghệ thông tin; thu hút các định chế tài chính quốc tế và nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng thế giới.
Sau năm 2030, thành phố sẽ chuyển đổi mô hình trung tâm để cung cấp dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hướng đến trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045.
UBND TP Đà Nẵng đề xuất 11 cơ chế chính sách đặc thù. Thành phố sẽ ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, với tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế.
Thành phố cũng có chính sách phát triển thị trường vốn, cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước. Ngân hàng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng, cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại trung tâm tài chính khác; chính sách ngoại hối; chính sách phát triển fintech…
Theo chính quyền Đà Nẵng, quá trình lập đề án, thành phố có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý kết nối; được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để trở thành một trung tâm fintech; có quỹ đất sạch khá lớn (6,7 ha) được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt. Tuy nhiên, thành phố cũng đối diện thách thức quy mô nền kinh tế nhỏ, thị trường tài chính còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và hiện đại.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, cho biết dự kiến trung tâm tài chính đặt tại trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà), nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê. Việc xây dựng trung tâm tài chính là đề xuất của Đà Nẵng, thực hiện theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trước đó tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực (trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên được nghiên cứu thành lập ở TP HCM). Ngày 6/10, Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án này, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng ban.