[Đà Nẵng] Đoàn Đại sứ các nước thành viên EU tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.
Ông Trần Chí Cường cho rằng, Liên minh châu Âu là khối nước phát triển, có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Vì thế, đây là cơ hội tốt để thành phố không những tiếp cận toàn diện về mặt ngoại giao đối với Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu, mà còn là dịp để trình bày các tiềm năng, nhu cầu hợp tác trên các lĩnh vực và các dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của thành phố.
Giới thiệu về tiềm năng phát triển của Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay, Đà Nẵng được xác định là hạt nhân tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đà Nẵng là thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ… Công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp công nghệ thông tin, đang được thành phố tập trung phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực. Cơ cấu kinh tế của thành phố hướng đến “Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp”.
Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 48 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; ký kết 104 thỏa thuận; tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế quan trọng; đặc biệt, đã tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Năm 2023, thành phố vinh dự được nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực “Thành phố điều hành, quản lý – hạ tầng – dịch vụ công thông minh”, “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch”, “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Trong đó, thành phố chú trọng phát triển năm lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Ông Trần Chí Cường mong muốn sau chuyến thăm và làm việc, các Đại sứ sẽ giới thiệu và phối hợp tổ chức các đoàn đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác tại Đà Nẵng trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp, du lịch và phát triển cảng; đồng thời, ủng hộ các hoạt động trao đổi văn hóa, giới thiệu văn hóa và con người; giới thiệu một số học bổng để các học viên Đà Nẵng có thể nộp đơn tham gia…
Tại buổi làm việc, ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu của thành phố Đà Nẵng; cho rằng Đà Nẵng đang nổi lên trở thành trung tâm công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, đào tạo vi mạch bán dẫn… của Việt Nam và có môi trường đầu tư hấp dẫn.
Theo ông Julien Guerrier, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Liên minh châu Âu tại Đông Nam Á. Các nước thành viên Liên minh châu Âu đang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng tái tạo, y tế, văn hóa xã hội…
Riêng Đà Nẵng, các nước thành viên Liên minh châu Âu đang quan tâm đến việc hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, chuyển đổi xanh, giáo dục…
Ông Julien Guerrier mong muốn, Đà Nẵng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đến hợp tác và đầu tư. Đồng thời, Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng cho các doanh nghiệp Liên minh châu Âu.
Theo báo cáo, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Liên minh châu Âu ước đạt 283 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Liên minh châu Âu ước đạt 140 triệu USD.
Hằng năm, Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa các bên, giúp người dân Đà Nẵng hiểu hơn về văn hóa và con người châu Âu.
Hợp tác cấp địa phương cũng được quan tâm, hiện Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhiều địa phương thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu, gồm: Vùng Wallonie-Bruxelles, Bỉ (2012); thành phố Boras, Thụy Điển (2012); thành phố Salo (2011) và thành phố Turku, Phần Lan (2018); thành phố Timisoara, Romania (2014); thành phố Varna, Bulgaria (2014); thành phố Kosice, Slovakia (2015).
Về các dự án viện trợ phi chính phủ, giai đoạn 2020 – 2023, các cơ quan, tổ chức phi chính phủ thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu cam kết viện trợ tổng cộng 37 chương trình, dự án với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng…