[Đà Nẵng] Đề xuất số hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hồ sơ điện tử

Trong quá trình góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đơn vị chức năng của thành phố đề xuất giải pháp mang tính đột phá trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đó là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) bằng hình thức điện tử, một chứng thư pháp lý dạng số để Nhà nước xác nhận quyền nói trên.

Người dân làm các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai sẽ thuận lợi hơn khi đăng ký trực tuyến và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điện tử, thay vì làm nhiều thủ tục trực tiếp như hiện nay. Trong ảnh: Người dân được hướng dẫn khi đến làm thủ tục đăng ký đất đai tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Liên Chiểu.Ảnh: H.H
Người dân làm các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai sẽ thuận lợi hơn khi đăng ký trực tuyến và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điện tử, thay vì làm nhiều thủ tục trực tiếp như hiện nay. TRONG ẢNH: Người dân được hướng dẫn khi đến làm thủ tục đăng ký đất đai tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Liên Chiểu. Ảnh: H.H

Hiện nay, 100% dịch vụ công thuộc lĩnh vực đất đai đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiếp nhận, xử lý trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Trong năm 2022, hơn 75.500 hồ sơ đăng ký làm các thủ tục về đất đai được tiếp nhận và xử lý trực tuyến tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện, đạt 51,23% tổng số hồ sơ.

Cùng với đó, có hơn 37.300 thông báo thuế phát sinh được gửi đến công dân, tổ chức thông qua thư điện tử (email) và tin nhắn SMS trên  điện thoại di động… Đây là kết quả được thực hiện nhờ Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2018 với tổng số thửa đất trên địa bàn thành phố được xây dựng cơ sở dữ liệu là hơn 534.600 thửa, đạt 151,52% so với mục tiêu đề ra.

Sở TN&MT đã áp dụng kết quả của dự án đáp ứng các yêu cầu cơ bản của quản lý Nhà nước về đất đai, rút ngắn thủ tục hành chính; chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành có nhu cầu… Đặc biệt, việc chuyển đổi từ khai thác kho lưu trữ dạng giấy sang khai thác dữ liệu kho hồ sơ số tập trung rất thuận tiện trong nghiệp vụ xác lập, thẩm định hồ sơ cấp sổ hồng; các công đoạn về sao lục trích lục hồ sơ lưu trữ dạng giấy được cắt giảm; dữ liệu được tổ chức khoa học giúp giảm được tình trạng cấp chồng, cấp trùng sổ hồng…

Theo Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT (Sở TN&MT), qua nghiên cứu Chương XII về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai (từ Điều 159 đến Điều 164) của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trung tâm nhận thấy, dự thảo luật đã tập trung rất rõ nét vào việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Các giao dịch về đất đai hướng đến dịch vụ công trực tuyến, hướng đến giao dịch điện tử và những điều đó sẽ thay đổi phương thức làm việc, phương thức xử lý giao dịch đất đai… Chính vì vậy, Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khái niệm và quy định liên quan về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất điện tử.

Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), trong đó yêu cầu đến năm 2025 là hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Mặt khác, tại Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 23-12-2022 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thành ủy nêu rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tiếp tục nghiên cứu cải tiến mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, tiến tới việc thực hiện đăng ký, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường số và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phiên bản số”.

Trên cơ sở đó, Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT đề nghị bổ sung vào Điều 3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một khoản về định nghĩa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất điện tử là chứng thư pháp lý dạng số để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Đồng thời, để cụ thể hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điện tử, trung tâm cũng đề nghị bổ sung vào Điều 164, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nội dung: “UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế hệ thống thông tin đất đai tại địa phương, đề xuất việc áp dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất điện tử”. Bên cạnh đó, cần có quy định tích hợp, cập nhật dữ liệu đất đai địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp vùng và cả nước (Điều 164).

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quang Vinh đồng tình với đề xuất hướng đến việc cấp sổ hồng điện tử; đồng thời cho biết tình trạng làm giả phôi sổ hồng nhiều do cấu tạo (chất lượng) dễ bị làm giả. “Sở TN&MT đã có ý kiến đề xuất Bộ TN&MT về việc triển khai cấp sổ hồng bằng hình thức điện tử để vừa tránh tình trạng bị làm giả sổ hồng, vừa thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.

Theo Báo Đà Nẵng