[Đà Nẵng] Đầu tư cảng Liên Chiểu: Làm gì để phát huy nguồn lực của Cảng Đà Nẵng?
Trong dịp đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đầu năm mới Giáp Thìn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định, Ban thường vụ Thành uỷ đã có Nghị quyết nhằm tạo điều kiện để Cảng Đà Nẵng được tham gia vào dự án cảng Liên Chiểu. Vậy để cảng Đà Nẵng tham gia xây dựng Cảng Liên Chiểu cần có sự chuẩn bị như thế nào?
Dự án Cảng Liên Chiểu tại thành phố Đà Nẵng có quy mô 450 ha và có thể tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT (trọng tải toàn phần của tàu). Về chủ trương đầu tư, trước đây từng có đề xuất 2 phương án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu được các cơ quan có thẩm quyền trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đó là đầu tư xây dựng 2 bến khởi động với chiều dài cầu 750 m, các bến còn lại kêu gọi đầu tư sau. Phương án thứ 2 là đầu tư xây dựng tổng thể một lần cho toàn bộ cảng bao gồm 8 bến.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chọn phương án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án xây dựng 2 bến cảng ban đầu hay phương án xây dựng 8 bến, phân kỳ theo quy hoạch trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng.
Chiều 13/3, trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thông tin ngắn gọn: “Thành phố đã gửi dự án tiền khả thi ra các bộ, ngành Trung ương. Thành phố đang chuẩn bị tháo gỡ nhưng chưa xong”.
Ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng khẳng định, Cảng Đà Nẵng có đủ khả năng tài chính và nhân sự để tham gia đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu. Doanh nghiệp có khả năng trúng thầu vì có thế mạnh về kinh nghiệm khai thác cảng, nhân sự, trang thiết bị có sẵn. Nếu trúng thầu sẽ giúp Cảng Đà Nẵng tận dụng được tài sản cố định hiện có vào dự án mới, tránh thất thoát lãng phí tài sản nhà nước khi Cảng Tiên Sa chuyển thành tổ hợp dịch vụ du lịch.
Theo ông Lê Quảng Đức, Cảng Đà Nẵng có bề dày lịch sử hơn 122 năm về ngành khai thác cảng biển nên đối với dự án Cảng Liên Chiểu thì Cảng Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thành phố Đà Nẵng xem xét lựa chọn Cảng Đà Nẵng là nhà đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu. Với năng lực và kinh nghiệm của mình và nguồn tiềm lực về tài chính thì Cảng Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị sẵn tất cả các phương án để có thể tham gia đầu tư thành công bến cảng Liên Chiểu.
Ông Lê Quảng Đức khẳng định: Trong hồ sơ đã nộp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cảng Đà Nẵng cam kết đầy đủ các nguồn tài chính để phục vụ cho đề xuất đầu tư Cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, Công ty mẹ của Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng đã cam kết bằng văn bản về ủng hộ chủ trương cũng như là hỗ trợ về tài chính cho Cảng Đà Nẵng tham gia đầu tư vào Cảng Liên Chiểu.
“Trong đề xuất đầu tư, chúng tôi đủ khả năng để tự đầu tư chứ chưa tính đến sự liên kết. Nguồn vốn chúng tôi tự có, chúng tôi muốn là huy động của các cổ đông thêm và vay của các tổ chức tài chính tín dụng. Phương án tài chính thì đã có phương án rồi, Tổng ty cũng đã cam kết và sẵn sàng thực hiện cam kết đấy. Các tổ chức tài chính khác cũng sẵn sàng cam kết hỗ trợ việc này. Với bề dày và với cơ sở vật chất hiện tại của chúng tôi chứng tỏ chúng tôi có đủ kinh nghiệm cùng nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu về công tác đầu tư”. Ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng khẳng định.
Theo ông Lê Quảng Đức, ngoài việc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng tham gia đầu tư cảng Liên Chiểu thì Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư tại công ty có thể tăng cường năng lực tài chính cho Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng thông qua hỗ trợ các gói vay ưu đãi hoặc có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù dành cho doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn có uy tín và hiệu quả cao như Cảng Đà Nẵng.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mong muốn doanh nghiệp đóng trên địa bàn được tiếp tục tham gia vào dự án trọng điểm cấp quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, để biến mong muốn đó thành hiện thực vẫn còn nhiều việc cần giải quyết liên quan đến cơ chế, thủ tục và tài chính.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng tích cực phối hợp các cơ quan của thành phố cùng với Bộ Giao thông – Vận tải, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam để tham gia tích cực vào dự án Cảng Liên Chiểu. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Thành phố luôn quan tâm và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có Nghị quyết nêu rõ sự quan tâm tạo điều kiện cho Cảng Đà Nẵng tham gia vào dự án này.
Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Thành phố xác định thương hiệu cảng Đà Nẵng vẫn phải được giữ, nguồn lực con người và các điều kiện đang có phải tiếp tục được phát huy để xây dựng Cảng Liên Chiểu.
Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng hiện có hàng ngàn tỉ đồng tài sản cố định bao gồm các thiết bị bốc xếp như xe cẩu, xe nâng, xe đầu kéo, thiết bị lai dắt, kho bãi lưu hàng hoá… Làm gì để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có và hơn 780 lao động có tay nghề cao tại cảng Đà Nẵng là bài toán cần tính đến.
Hơn lúc nào hết, thành phố Đà Nẵng nên có sự hỗ trợ tích cực giúp cảng Đà Nẵng tham gia đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, tiếp tục nâng cao uy tín, bề dày lịch sử và năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp nhà nước đang khẳng định thương hiệu hàng đầu và vị thế vượt trội trong lĩnh vực hàng hải Việt Nam.