[Bình Định] Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng: Trợ lực doanh nghiệp lâm, thủy sản vượt khó

Sau hơn 4 tháng triển khai, hiện có 16 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia và cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản. Qua đó, trợ lực doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiên phong và tích cực trong triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương – chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định). Từ tháng 7.2023, ngân hàng đã kết nối, thông tin chi tiết đến khách hàng gói tín dụng nói trên, đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn.

Việc nhiều ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng tạo thêm cơ hội để Công ty TNHH Hoàng Hưng tiếp cận, vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.  Ảnh: T.SỸ

Hiện Vietcombank Bình Định đang áp dụng lãi suất đối với VNĐ kỳ ngắn hạn từ 5 – 6%/năm; từ 3,5 – 4%/năm đối với đồng USD. Đến nay, có hơn 10 khách hàng là DN trên địa bàn tỉnh đã vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng tại ngân hàng này.

“Chúng tôi cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn từ các gói tín dụng, trong đó có gói 15.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Vietcombank Bình Định, cho biết.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định), Ngân hàng NN&PTNT – chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định)… cũng đang tư vấn, hướng dẫn khách hàng tiếp cận và vay vốn gói tín dụng 15.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: “Thời gian qua, ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng trên lĩnh vực NN&PTNT, trong đó có gói 15.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Agribank Bình Định cung cấp các dịch vụ tiện ích giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn để giải quyết khó khăn về tài chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng giúp Agribank Bình Định đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023”.

Được vay số tiền khá lớn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn TP Quy Nhơn cho biết, khó khăn về tài chính đã được giải quyết, hiện công ty đang đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, đảm bảo hợp đồng đã ký kết với đối tác.

Nhiều DN thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cũng bày tỏ quan tâm đến gói tín dụng nói trên. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, cho hay: Hiện một số ngành hàng đã có diễn biến thuận lợi hơn trước, nhiều DN trong Hiệp hội, trong đó có công ty chúng tôi đã nhận được đơn hàng mới, nhu cầu vay vốn tăng cao. Đây là thời điểm các DN rất cần phía ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, giải quyết nhanh nhu cầu vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong số 16 chi nhánh ngân hàng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận, vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, hiện đã có một số ngân hàng giải ngân cho 17 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ cho vay 662 tỷ đồng; lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn từ 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn tại các ngân hàng. Hiện nhiều ngân hàng đang tích cực tư vấn, hướng dẫn khách hàng vay vốn, trong đó Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội Bình Định đang thẩm định hồ sơ đề nghị vay 30 tỷ đồng của một DN hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu, với lãi suất 5,5%/năm. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, đẩy mạnh cho vay gói tín dụng nói trên.

Theo Báo Bình Định