Ban Chấp hành VCCI thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Ban Chấp hành VCCI đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025…
Nhằm tiến hành đánh giá kết quả công tác của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giữa nhiệm kỳ, giai đoạn 3 năm 2021 – 2024, chiều 27/12, Ban Chấp hành VCCI đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành VCCI khoá VII.
Chiều 27/12, Ban Chấp hành VCCI đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành VCCI khoá VII
Hội nghị tổng kết công tác VCCI năm 2024 và thảo luận, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của VCCI trong thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mà còn thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo VCCI.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 3 năm, Đại hội VCCI lần VII tổ chức trong 2 ngày 30-31/12/2021. Nhiệm kỳ Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, đặc biệt là các mục tiêu lớn: Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội nghị
Bối cảnh 3 năm đầu nhiệm kỳ VII của VCCI có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho giới doanh nhân, doanh nghiệp và VCCI, cụ thể như: yêu cầu phục hồi, phát triển sau đại dịch COVID-19; tình hình thế giới bất ổn, đối đầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cùng chiến tranh và xung đột xảy ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng và biến động lớn đến các quan hệ kinh tế và thị trường quốc tế, rủi ro cho các doanh nghiệp; thị trường trong nước nhiều khó khăn, biến động, các lĩnh vực bất động sản, xây dựng suy thoái gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác; khí thế, tinh thần kinh doanh của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp suy giảm,…
Mặc dù còn đó những khó khăn, thách thức, tuy nhiên, theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, trong 3 năm qua, hoạt động của VCCI cũng thu về một số kết quả và dấu ấn chính như:
Thứ nhất, VCCI đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao chủ trì tham mưu Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, đồng thời đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này có những quan điểm và giải pháp đột phá rất quan trọng, tạo nền tảng chiến lược cho sự phát triển ổn định, lâu dài của giới doanh nhân, doanh nghiệp, cụ thể như: Doanh nhân được xác định lại vai trò là 1 lực lượng nòng cốt trong xây dựng, phát triển kinh tế, quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh “Thuận lợi – An toàn – Bình đẳng”, không hình sự hoá quan hệ kinh tế, yêu cầu xây dựng chương trình quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc,…
Ban Thường trực VCCI tham gia điều hành Hội nghị
Thứ hai, VCCI tiếp tục là tổ chức có vai trò quan trọng, đi đầu trong tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Giai đoạn 2022-2024, trung bình mỗi năm VCCI tham gia đóng góp ý kiến đối với 300-320 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức 100-130 hội thảo, tọa đàm xây dựng luật, trong đó có nhiều luật lớn và rất quan trọng, được các cơ quan xây dựng luật đánh giá cao (như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu, …); tổ chức công bố Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm và từ năm 2022 triển khai thêm hoạt động Xếp hạng Chỉ số Xanh (PGI).
Thứ ba, VCCI đã đạt được các bước tiến quan trọng trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam, trong đó 6 quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI khởi xướng, công bố đã không chỉ được lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp mà năm 2024 này đã được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào nội dung sách giáo khoa lớp 11, môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. VCCI cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tác toàn quốc và bình chọn được bài hát truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam. VCCI đang tiên phong tích cực xây dựng và hình thành hệ giá trị đạo đức, văn hoá kinh doanh quốc gia của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo VCCI, kết quả các chức danh được bỏ phiếu đều đạt tín nhiệm cao
Thứ tư, các hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp được đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức định kỳ Hội nghị hội viên theo khu vực, tổ chức Chương trình Gặp gỡ Doanh nghiệp đầu Xuân hàng năm, luân phiên ở các địa phương, kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm và từ năm 2023 kết hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam… VCCI đã góp phần đưa đội ngũ doanh nghiệp nước ta lớn mạnh, đến nay đã đạt khoảng 950 nghìn doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Thứ năm, vị thế, vai trò thực tế của VCCI và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục được nâng cao, xây dựng được mối quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ dành thời gian gặp gỡ hàng năm và thường xuyên chỉ đạo, giao nhiệm vụ, tham vấn ý kiến; các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều đã dành thời gian làm việc với VCCI và gặp gỡ giới doanh nhân trong 3 năm qua.
Các đại biểu tham gia góp ý tại Hội nghị
“Chặng đường phía trước của VCCI còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng rất nhiều cơ hội để cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, của sự thịnh vượng dân tộc.
Chúng ta đã cùng nhau đi qua 3 năm đầu nhiệm kỳ VII với nhiều cảm xúc, nhiều thách thức, từ những ngày căng thẳng của đại dịch COVID-19, những khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, những hào hứng khi đón chào Nghị quyết 41-NQ/TW hay gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Chúng ta cũng đã thu được nhiều thành quả quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hôm nay đã trưởng thành, lớn mạnh và có vị thế vững vàng, là một lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.
Đồng thời tin tưởng, với sự đoàn kết, sức mạnh tập thể Ban Chấp hành VCCI và đội ngũ cán bộ nhân viên VCCI, 2025 và nửa cuối của nhiệm kỳ VII của VCCI sẽ tiếp tục chứng kiến những thành công đột phá của VCCI, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe Báo cáo (tóm tắt) sơ kết công tác VCCI 2021-2024 và phương hướng, nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ. Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý xây dựng vào phương hướng hoạt động trong giai đoạn tới.
Thông qua hình thức biểu quyết, Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 9, khóa VII cũng đã thống nhất Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động với nội dung bám sát các định hướng: Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; Tiếp tục tiên phong trong xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia, tuyên truyền, vận động thực hành đạo đức doanh nhân Việt Nam;
Tăng cường vai trò của VCCI trong liên kết liên ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng Phát huy tinh thần đoàn kết, kết nối hiệp hội doanh nghiệp; Phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối và phát triển các hiệp hội doanh nghiệp; Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số thực chất và toàn diện trong doanh nghiệp; Tăng cường vai trò của tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của VCCI theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.