Mô hình tích hợp cao
Trung tâm IOC Đà Nẵng là một hợp phần quan trọng được xác định trong kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và trong Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ TT-TT.
Trung tâm IOC được triển khai theo mô hình toàn diện, gồm IOC cấp thành phố, các trung tâm điều hành quận, huyện (OC quận huyện) và các trung tâm điều hành chuyên ngành (OC chuyên ngành), đáp ứng yêu cầu phân cấp, ủy quyền trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.
IOC Đà Nẵng có vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện; OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ triển khai chính quyền đô thị.
IOC Đà Nẵng phố còn giúp phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời; hỗ trợ làm trung tâm chỉ huy tập trung của TP Đà Nẵng trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh …
OC quận huyện; OC chuyên ngành là các trung tâm giám sát, điều hành theo địa bàn địa lý của quận, huyện hoặc theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.
Về tổ chức vận hành, việc thành lập IOC Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại, kế thừa bộ máy, nhân sự từ Trung tâm thông tin dịch vụ công Đà Nẵng.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm giám sát, điều hành thông minh TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Về phương thức hoạt động, IOC Đà Nẵng (giai đoạn 1) sử dụng lại dữ liệu hiện có để thống kê, phân tích tập trung và đưa ra các cảnh báo sớm theo thời gian thực, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, sở ngành, UBND quận huyện, xã phường và cung cấp thông tin, tiện ích, dịch vụ cho người dân.
Trung tâm IOC thu thập, sử dụng dữ liệu từ 3 nhóm chính gồm dữ liệu từ các hệ thống, ứng dụng chính quyền điện tử; dữ liệu từ các hệ thống, ứng dụng quản lý đô thị thông minh và dữ liệu do doanh nghiệp, cộng đồng triển khai.
Từ các nguồn dữ liệu này, Trung tâm IOC thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, tiêu biểu như: (1) Xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân; (2) Cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; (3) Thông tin trên môi trường mạng; (4) Quan trắc môi trường nước, không khí; (5) Số liệu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội; (6) Hành trình xe cứu thương, cứu hỏa; (7) Thu gom, xả, xử lý nước thải; (8) Lượng mưa, ngập nước đô thị; (9) Hoạt động tàu cá trên biển; (10) Thông tin y tế, khám chữa bệnh; (11) Phân tích dữ liệu hệ thống camera, flycam phục vụ quản lý địa bàn và chuyên ngành (tìm người đi lạc, tập trung đông người, cứu nạn cứu hộ, ..).
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, việc triển khai Trung tâm IOC là mô hình mới, mức độ tích hợp cao, phức tạp; chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn mô hình hoàn chỉnh, toàn diện cả về kiến trúc hệ thống, bộ máy tổ chức vận hành cho các địa phương tham khảo áp dụng. Do đó, để đảm bảo kế thừa hạ tầng, dữ liệu, các ứng dụng hiện có của Đà Nẵng, đảm bảo về hiệu quả đầu tư và hoạt động của Trung tâm IOC, cách tiếp cận của thành phố là thí điểm quy mô nhỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện, từng bước tối ưu và mở rộng, tuân thủ theo khung kiến trúc.
Đến nay, Trung tâm IOC Đà Nẵng cơ bản hoàn thiện các chức năng, cung cấp 15 dịch vụ đô thị thông minh phục vụ lãnh đạo các cấp và người dân, doanh nghiệp.
Lấy con người là trung tâm
Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), đối với dự án này, Viettel và chính quyền TP Đà Nẵng cùng thống nhất, triển khai đồng bộ từ đầu với 3 yếu tố: con người, quy trình và công nghệ.
Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH