Trao đổi về quy định kiểm tra dịch vụ kế toán

Hoạt động dịch vụ kế toán tại Việt Nam ngày càng phát triển, các đối tượng cung cấp dịch vụ này phải được sự đồng ý, chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa

Từ ngày 01/4/2021, việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Theo đó, việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo hình thức kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp.

Khái quát dịch vụ kế toán

Dịch vụ kế toán (DVKT) là một loại hình dịch vụ vừa là pháp lý và vừa là tác nghiệp kỹ thuật. Nó đòi hỏi tuân thủ những yếu tố kỹ thuật (báo cáo tài chính lập như thế nào? tính toán như thế nào?) và yếu tố pháp lý (phải lập báo cáo tài chính dựa trên các cơ sở pháp lý nào). Để thực hiện DVKT phải có “Chứng chỉ hành nghề Kế toán”.

Quá trình thực hiện DVKT (hay còn gọi là làm kế toán thuê) bao gồm nhiều bước: Tư vấn các vấn đề liên quan đến kế toán, thuế khi có văn bản pháp luật mới ban hành; Đăng ký thuế cho doanh nghiệp (DN); Tổ chức quá trình ghi chép kế toán cho DN; Báo cáo theo quy định của các Luật Thuế (Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và những loại thuế khác nếu DN có hoạt động liên quan đến sắc thuế đó); Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc, đăng ký lao động bắt buộc…

Để thực hiện được DVKT thì phải có đăng ký kinh doanh DVKT và có ít nhất 2 người có chứng chỉ kiểm toán viên/chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp, trong đó Giám đốc DN phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên.

Các DVKT được thực hiện như: Làm kế toán; Làm kế toán trưởng; Thiết lập cụ thể hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán; Cung cấp và tư vấn áp dụng công nghệ thông tin về kế toán; Bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, cập nhật kiến thức kế toán; Tư vấn tài chính; Kê khai thuế; Các dịch vụ khác về kế toán theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC, việc tổ chức và thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 71 Luật Kế toán năm 2015 đối với các đơn vị kinh doanh DVKT, kế toán viên hành nghề tại các đơn vị kinh doanh DVKT.

Đối tượng áp dụng Thông tư số 09/2021/TT-BTC

Thông tư số 09/2021/TT-BTC quy định cụ thể các nhóm đối tượng áp dụng sau:

Thứ nhất, các đơn vị có thực hiện kinh doanh DVKT theo quy định của Luật Kế toán năm 2015, bao gồm: Hộ kinh doanh DVKT; DN kinh doanh DVKT; Chi nhánh DN kinh doanh DVKT nước ngoài tại Việt Nam; DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có cung cấp DVKT.

Thứ hai, người hành nghề DVKT, bao gồm: Kế toán viên hành nghề tại các đơn vị kinh doanh DVKT; Kế toán viên hành nghề và kiểm toán viên hành nghề tại DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có thực hiện cung cấp DVKT.

Thứ ba, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế có cung cấp DVKT cho DN siêu nhỏ theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và người có chứng chỉ kế toán viên làm việc tại tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế có cung cấp DVKT cho DN siêu nhỏ.

Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra hoạt động DVKT và tổ chức nghề nghiệp về kế toán phối hợp kiểm tra với các thành viên đoàn kiểm tra hoạt động DVKT.

Nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Nội dung kiểm tra hoạt động DVKT là kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh DVKT của người hành nghề DVKT và các đơn vị kinh doanh DVKT tại Việt Nam, bao gồm: Việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh DVKT và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh DVKT; Việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề DVKT và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề. Kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp DVKT cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC, việc kiểm tra hoạt động DVKT được thực hiện theo hình thức kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp. Cụ thể, cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, kiểm tra trực tiếp là việc cơ quan chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT tại các đơn vị kinh doanh DVKT. Hình thức kiểm tra trực tiếp bao gồm: Kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Đối với kiểm tra định kỳ thì hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ quy định tại Điều 7 Thông tư này, cơ quan chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh DVKT. Phạm vi kiểm tra định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT bao gồm tình hình tuân thủ pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh DVKT và tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình cung cấp DVKT của đối tượng được kiểm tra.

Trong đó: Các tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung kiểm tra về tình hình tuân thủ pháp luật về đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh DVKT của các đối tượng được kiểm tra bao gồm: Tài liệu liên quan đến hồ sơ đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề DVKT và điều kiện kinh doanh DVKT của đối tượng được kiểm tra và các tài liệu khác có liên quan đến nội dung kiểm tra; Các hồ sơ, tài liệu về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình hành nghề, kinh doanh DVKT của đối tượng được kiểm tra đối với các hợp đồng cung cấp DVKT đã hoàn thành hoặc các phần công việc của hợp đồng cung cấp DVKT đã hoàn thành được tính từ khi thành lập DN hoặc từ lần kiểm tra trước đến thời điểm kiểm tra.

Quy trình kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm 4 giai đoạn sau: Giai đoạn chuẩn bị kiểm tra; Giai đoạn thực hiện kiểm tra; Giai đoạn kết thúc kiểm tra; Giai đoạn sau kiểm tra.

Ngược lại, kiểm tra đột xuất thì cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện việc kiểm tra đột xuất các đối tượng được kiểm tra khi thuộc một trong các trường hợp sau: Kiểm tra để xác minh các đơn thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động kinh doanh DVKT; Kiểm tra các thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình quản lý, kiểm tra gián tiếp hoạt động kinh doanh DVKT. Phạm vi kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh DVKT được nêu trong quyết định kiểm tra. Đoàn kiểm tra đột xuất được vận dụng quy trình kiểm tra định kỳ cho phù hợp với mục đích, yêu cầu từng cuộc kiểm tra đột xuất.

Khi thực hiện quá trình kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT cần tuân thủ các quy định của pháp luật kế toán; Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm tra; Tuân thủ các yêu cầu về bảo mật theo quy định của pháp luật về kế toán, chuẩn mực nghề nghiệp. Các nội dung đánh giá, kết luận trong Biên bản kiểm tra phải được nêu rõ ràng trên cơ sở xem xét, đánh giá và xét đoán chuyên môn của đoàn kiểm tra. Kết luận kiểm tra về các hạn chế, sai sót của đối tượng được kiểm tra phải có bằng chứng thích hợp chứng minh.

Đối với thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ thì kiểm tra trực tiếp 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh DVKT mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có doanh thu DVKT từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên và mỗi năm có từ 100 khách hàng DVKT trở lên. Doanh thu DVKT bao gồm doanh thu từ: dịch vụ làm kế toán; Dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán.

Thời gian cho một cuộc kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT tối đa là 05 ngày làm việc. Khi cần kéo dài thời gian cho một cuộc kiểm tra do có vấn đề phức tạp, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo với cơ quan ra quyết định kiểm tra xem xét, quyết định. Việc kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT được thực hiện vào quý III hoặc quý IV hàng năm. Bộ Tài chính thông báo cụ thể khi có sự thay đổi về thời gian kiểm tra.

Tài liệu hướng dẫn kiểm tra trực tiếp định kỳ bao gồm: Bảng tiêu chí đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình cung cấp DVKT của đối tượng được kiểm tra ban hành tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Đối với kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh DVKT không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, khi ý kiến kết luận trong biên bản kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT của đơn vị kinh doanh là có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng thì đơn vị kinh doanh DVKT sẽ được kiểm tra lại ngay từ 1 đến 2 năm sau đó. Nếu đơn vị kinh doanh DVKT đã được kiểm tra đột xuất hoặc thanh tra về kế toán thì không thuộc đối tượng kiểm tra định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT trong năm đó.

Hồ sơ hợp đồng dịch vụ kế toán

Hồ sơ hợp đồng DVKT để kiểm tra tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan được lựa chọn như sau:

Một là, số lượng hồ sơ hợp đồng dịch vụ được lựa chọn để kiểm tra phải đáp ứng mục tiêu là có đủ cơ sở hợp lý để đoàn kiểm tra đưa ra ý kiến kết luận về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra. Trong một cuộc kiểm tra định kỳ, phải có tối thiểu 3 hồ sơ hợp đồng dịch vụ được lựa chọn để kiểm tra.

Hai là, hợp đồng DVKT được lựa chọn để kiểm tra bao gồm 01 hồ sơ về hợp đồng dịch vụ, do đối tượng được kiểm tra đề xuất, các hồ sơ hợp đồng dịch vụ khác do thành viên đoàn kiểm tra lựa chọn ngẫu nhiên.

Ba là, các hồ sơ hợp đồng dịch vụ được lựa chọn để kiểm tra chỉ được thông báo cho đối tượng được kiểm tra trong buổi đầu thực hiện kiểm tra. Trong thời gian kiểm tra, đoàn kiểm tra có quyền chọn để kiểm tra bất kỳ hồ sơ về hợp đồng dịch vụ nào để kiểm tra, mà không phải thông báo trước cho đơn vị kinh doanh dịch vụ.

Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được kiểm tra dịch vụ kế toán

– Quyền của đối tượng được kiểm tra DVKT: Trường hợp có lý do bất khả kháng hoặc lý do khách quan, đơn vị kinh doanh DVKT được đề nghị cơ quan chủ trì kiểm tra thay đổi thời gian kiểm tra trực tiếp tại đơn vị. Đơn vị phải thông báo cho cơ quan chủ trì kiểm tra chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày kiểm tra theo kế hoạch. Thời gian kiểm tra đề nghị thay đổi phải đảm bảo không muộn hơn 30 ngày kể từ ngày dự kiến kiểm tra theo kế hoạch đã được thông báo; Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ trì kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng thành viên đoàn kiểm tra vi phạm tính độc lập; Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, thông tin thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Giải trình, kiến nghị với cơ quan chủ trì kiểm tra về những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong kết luận kiểm tra của đoàn kiểm tra.

– Nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra DVKT: Bố trí những người có trách nhiệm liên quan làm việc với đoàn kiểm tra; Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn kiểm tra thực hiện công việc kiểm tra, báo cáo hoặc cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh DVKT cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; Trao đổi với đoàn kiểm tra về tình hình của đơn vị và giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực các tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm tra theo quy định hoặc theo yêu cầu của đoàn kiểm tra; Ký biên bản kiểm tra ngay khi kết thúc cuộc kiểm tra; Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký biên bản kiểm tra, đơn vị được kiểm tra phải có thông báo bằng văn bản với cơ quan chủ trì kiểm tra về kết quả thực hiện các kiến nghị để khắc phục các sai sót, tồn tại và hạn chế đã được đoàn kiểm tra phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Dịch vụ kế toán – Đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn

Đơn vị kinh doanh DVKT khi cung cấp dịch vụ lập và trình bày báo cáo tài chính cho khách hàng, có thể lựa chọn phát hành Báo cáo dịch vụ lập và trình bày báo cáo tài chính đính kèm báo cáo tài chính của khách hàng thay thế cho việc áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 99 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán DN và khoản 4 Điều 90 Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán DN nhỏ và vừa. Mẫu Báo cáo dịch vụ lập và trình bày báo cáo tài chính được hướng dẫn tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

Chi phí kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT do ngân sách nhà nước đảm bảo theo chế độ quy định. Nội dung các khoản chi phí liên quan đến việc kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT, bao gồm: Các khoản chi công tác phí cho cá nhân tham gia đoàn kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan; Các khoản chi khác thực tế phát sinh có liên quan đến việc kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chế độ quy định. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán các khoản chi cho công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

Hàng năm, Bộ Tài chính căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh DVKT, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, công bố công khai danh sách đơn vị kinh doanh DVKT thuộc đối tượng kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT trong năm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra. Bộ Tài chính ra quyết định kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các đối tượng được kiểm tra. Xử lý sai phạm phát hiện qua kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Lập và công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT chậm nhất là 60 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tất cả các cuộc kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch kiểm tra hàng năm. Tổ chức trao đổi, phổ biến, rút kinh nghiệm qua kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT hàng năm cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được kiểm tra. Báo cáo cấp có thẩm quyền theo chức năng quản lý để xử lý đối với các hành vi sai phạm của thành viên đoàn kiểm tra theo pháp luật liên quan.

Sau khi có kết luận kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT trong Biên bản kiểm tra, được lập trên cơ sở những tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra và các xét đoán chuyên môn của đoàn kiểm tra, thì cơ quan chủ trì kiểm tra có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT hàng năm. Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT được hướng dẫn tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Biên bản kiểm tra hoạt động kinh doanh DVKT được công khai trong phạm vi đối tượng được kiểm tra và được tổng hợp trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động DVKT sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Như vậy, việc ban hành và triển khai thực hiện các quy định về kiểm tra hoạt động DVKT là yêu cầu từ thực tiễn, đảm bảo các đơn vị thực hiện DVKT làm đúng theo quy định.

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội (2015), Luật Kế toán;

2.Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 09/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán;

3.https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/tu-ngay-142021-kiem-tra-hoat-dong-dich-vu-ke-toan-theo-02-hinh-thuc-332081.html;

4.https://baodautu.vn/bo-tai-chinh-kiem-tra-hoat-dong-dich-vu-ke-toan-theo-quy-dinh-moi-tu-ngay-14-d138957.html.

Theo Tạp chí điện tử Tài chính