Sửa quy định về hợp đồng xây dựng: Băn khoăn đề xuất giảm mức tạm ứng tối đa

Bộ Xây dựng đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, đề xuất sửa đổi quy định về mức tạm ứng hợp đồng.

Bộ Xây dựng đề xuất mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết. Ảnh: Lê Tiên

Theo Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP), mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có; trường hợp đặc biệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép hoặc bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đối với trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Nghị định 37 cũng quy định các mức tạm ứng tối thiểu tương ứng giá trị hợp đồng trong từng lĩnh vực tư vấn, thi công xây dựng công trình, cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC…

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Xây dựng đề xuất sửa quy định này, theo hướng: “Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. Đối với dự án mà người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định”. Mức tạm ứng tối thiểu vẫn giữ nguyên như Nghị định 37.

Lý do sửa đổi theo Bộ Xây dựng vì Nghị định 37 quy định về mức tạm ứng hợp đồng là không quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết. Tuy nhiên, Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công lại quy định mức vốn tạm ứng hợp đồng không vượt quá 30% giá trị hợp đồng. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 37 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi góp ý vào Dự thảo Nghị định cũng đề nghị sửa đổi theo hướng trên để thống nhất với Nghị định 99/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm trường hợp mua sắm, cung cấp thiết bị thì được thỏa thuận mức tạm ứng (không bị khống chế bởi mức tạm ứng tối đa 30% giá trị hợp đồng).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu bày tỏ sự băn khoăn về quy định này trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đề nghị xem xét giữ nguyên mức tạm ứng hợp đồng không vượt quá 50% giá trị hợp đồng hoặc điều chỉnh thành 40% giá trị hợp đồng. Theo Viettel, việc triển khai mua sắm nguyên vật liệu xây dựng, chuẩn bị lực lượng nhân công, máy móc và các hoạt động tiền thi công, xây dựng khác trên thực tế đòi hỏi nguồn lực lớn. Sau thời kỳ dịch bệnh, các doanh nghiệp xây dựng cần thời gian và nguồn lực để vực lại hoạt động kinh doanh, việc hạ mức tạm ứng hợp đồng là không phù hợp.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chi nhánh miền Trung, chủ trương của Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công để tạo đà tăng trưởng kinh tế, nhưng các hợp đồng xây dựng hiện nay, chủ đầu tư thường áp dụng tỷ lệ tạm ứng ở mức tối thiểu, thường tạm ứng không quá 15% giá trị hợp đồng, trong khi quy định cho phép tạm ứng tối đa lên đến 50% giá trị hợp đồng. Với mức tạm ứng tối thiểu này thì không đủ kinh phí để mua dự trữ vật tư, thiết bị thi công, huy động nhân công… Đại diện VACC đề nghị tăng tỷ lệ tạm ứng tối thiểu lên 30% đối với công trình có giá trị dưới 50 tỷ đồng.

Đây cũng là chia sẻ của nhiều nhà thầu khi chủ đầu tư thường áp mức tạm ứng tối thiểu và đề xuất tăng tỷ lệ tạm ứng, linh hoạt với các mốc thanh toán để nhà thầu chủ động nguồn vật tư, vật liệu và nhân công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, nhất là trong bối cảnh giá cả biến động khó lường như hiện nay.

Ở góc độ khác, cũng có nhiều trường hợp sử dụng không đúng mục đích vốn tạm ứng, số dư tạm ứng lớn… Một số ý kiến lưu ý, chủ đầu tư cần tăng cường quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng, bảo đảm việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, nhất là đối với hợp đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thu hồi kịp thời vốn đã tạm ứng sử dụng sai mục đích…

Theo Báo Đấu thầu