[Đà Nẵng] Nhân rộng mô hình hợp tác xã phát triển nông nghiệp và du lịch cộng đồng

Phát triển nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch cộng đồng tại huyện Hòa Vang đang là xu hướng tích cực được chính quyền và người dân quan tâm. Đặc biệt, thông qua mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) sẽ giúp phát huy tối đa các điều kiện sẵn có của vùng nông thôn và nâng cao đời sống người dân cũng như kinh tế – xã hội địa phương.

Đoàn khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc. Ảnh: TRẦN TRÚC
Đoàn khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc. Ảnh: TRẦN TRÚC

Đầu năm 2023, HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (thôn Nam Yên) được hình thành với mạng lưới 19 thành viên chính thức và gần 200 thành viên liên kết. HTX hoạt động với các lĩnh vực như dịch vụ du lịch, chăn nuôi, trồng trọt… Bà Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX cho biết, HTX chú trọng việc bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào Cơ tu, duy trì sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tạo nguồn sinh kế mới cho người dân.

HTX cũng hướng đến mục tiêu phát huy tối đa vai trò chủ thể là cộng đồng, mỗi người dân là một chủ thể cùng kết nối, hợp tác bàn bạc để xây dựng và vận hành các hoạt động du lịch. Đến nay, bên cạnh việc tổ chức các chương trình lớp học cho nhiều đối tượng, HTX tổ chức đón các đoàn khách tham quan, trải nghiệm trong ngày với các hoạt động về nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực… qua đó thu hút hơn 5.700 lượt khách. Các hoạt động này giúp thu nhập của các thành viên được duy trì ổn định, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Cũng tại xã Hòa Bắc, vào tháng 4-2025 đã diễn ra lễ ra mắt HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Tà Lang – Giàn Bí. Ông A Lăng Như, Giám đốc HTX cho hay, năm 2019, chính quyền địa phương đã sát cánh hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ bà con 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí thành lập Tổ du lịch cộng đồng. Trải qua 5 năm hoạt động, đến nay đời sống bà con đã từng bước được cải thiện đáng kể. Không chỉ vậy, các giá trị văn hóa cũng từng bước được phục dựng như nghề thổ cẩm, điêu khắc tượng, đan lát, ẩm thực, làm rượu tà vạt, bánh cuốt, tổ hát múa cồng chiêng…

“Việc hình thành HTX sẽ đánh dấu một bước phát triển mới, giúp từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế trong thời gian đến. Với hơn 90 thành viên tham gia, HTX tập trung phát triển chương trình du lịch trải nghiệm với đối tượng là học sinh, sinh viên. Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Cơ tu, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa theo mô hình chợ phiên Cơ tu… Bên cạnh đó, HTX cũng tham gia cung ứng dịch vụ trồng rừng, bảo vệ rừng, chăm sóc môi trường rừng nhằm bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái rừng”, ông Như nói.

Tại xã Hòa Châu, HTX Du lịch cộng đồng nông nghiệp sinh thái Hòa Châu vừa được thành lập vào tháng 3-2025. Theo đó, HTX hướng đến phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã. HTX còn hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản an toàn, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo như homestay, tham quan nông trại, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sinh thái.

Theo ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, địa phương chú trọng đồng hành và hỗ trợ HTX trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đồng thời xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như đan lát tre, tráng mỳ, làm bánh ít, bánh gói, bánh khô mè…

Mặt khác, sẽ có sự kết nối du lịch cộng đồng với các điểm nổi bật trong địa bàn như chùa Nam Sơn, vùng hoa Dương Sơn… Qua tìm hiểu, việc ngày càng có nhiều HTX kết hợp làm du lịch từ vốn văn hóa của cộng đồng, lợi thế đặc thù tự nhiên cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, mô hình này được đầu tư, khai thác, quản lý thông qua các HTX sẽ phù hợp với năng lực của người dân nông thôn và có tính lan tỏa cao hơn. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần nghiên cứu, lựa chọn các HTX có tiềm năng, lợi thế; đặc biệt chú trọng yếu tố “chất lượng gắn với số lượng”, tránh phát triển ồ ạt nhưng kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang đánh giá, nhiều mô hình HTX gắn với hoạt động du lịch, nông nghiệp, nông thôn được hình thành và ngày càng có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Hòa Vang có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm cộng đồng dân cư, truyền thống văn hóa độc đáo… được phân bố đều trên khắp cả huyện, rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Do vậy, loại hình này với sự tham gia của các HTX sẽ giúp thúc đẩy nông nghiệp sạch, thu hút và tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ. Ngoài ra, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và là cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương. Thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch nông nghiệp, cộng đồng theo hướng hiện đại và bền vững; nâng cao năng lực tổ chức hoạt động cho các HTX…

Theo Báo Đà Nẵng