[Bình Định] Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản
Ngày 28.3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đây là cơ sở để đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả.
* Xin bà cho biết những điểm đáng chú ý trong Kế hoạch số 58/KH-UBND?
Kế hoạch số 58 quy định rõ hơn trách nhiệm các bên liên quan, yêu cầu có sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt sự tham gia, chung tay của các hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến quy định đến nhiều tầng lớp nhân dân, để mọi người hiểu rõ về tác hại của thực phẩm nông lâm thủy sản không an toàn.
Kế hoạch cũng chú trọng đến khâu kiểm soát, hậu kiểm, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất gắn với mã số vùng, công tác truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, khuyến khích việc tiếp tục đa dạng hình thức phát triển thị trường sản phẩm nông lâm thủy sản, hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh tại địa phương…
* Kế hoạch số 58 đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện đạt các mục tiêu, ngành Nông nghiệp sẽ cụ thể hóa như thế nào, thưa bà?
Ngành Nông nghiệp sẽ kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền để mọi đối tượng đều dễ dàng tiếp cận và dễ nhớ các thông điệp truyền thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan.
Ngành tham mưu hoàn thiện và triển khai thực hiện kịp thời các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, sạch, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Thực hiện mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất, thương mại theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản cho ngư dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn, thẩm định các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về an toàn thực phẩm đối với các xã, huyện trong xây dựng nông thôn mới theo quy định; phấn đấu có thêm 170 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2025.
Năm nay, ngành tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, hậu kiểm; giám sát, cảnh báo kịp thời, đầy đủ về dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại trong sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh để người tiêu dùng biết và lựa chọn; xử lý dứt điểm vi phạm ở cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Trong năm 2025, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất, thương mại theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Ảnh: N.N
* Hướng đến mục tiêu chung, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, ngoài nỗ lực của mình, ngành Nông nghiệp cần sự phối hợp, hỗ trợ như thế nào của các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương?
Ngoài nỗ lực của mình, ngành luôn cần sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương liên quan, đặc biệt trong phối hợp mời gọi, thu hút, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN hoạt động ổn định và ngày càng phát triển.
Ở địa phương, việc quan trọng là cần cụ thể hóa những nội dung trong Kế hoạch, đảm bảo không bỏ sót nội dung cũng như đối tượng quản lý. Phổ biến, tuyên truyền hiệu quả những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cách ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng.
Ngành cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội liên quan chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững năm 2025. Vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản để cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời…
* Xin cảm ơn bà!