[Đà Nẵng] Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị

Chủ tịch UBND thành phố vừa ký quyết định phê duyệt hợp phần tích hợp nghiên cứu mô hình liên kết phát triển kinh tế trong chuỗi các đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai – Kỳ Hà (Quảng Nam) – Dung Quất – Vạn Tường (Quảng Ngãi) – Quy Nhơn nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị phát triển trên. Đồng thời, đưa Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên.

Đà Nẵng có hạ tầng giao thông hiện đại sẽ là trung tâm phát triển của vùng. Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng có hạ tầng giao thông hiện đại sẽ là trung tâm phát triển của vùng. Ảnh: THÀNH LÂN

Một trong những điểm nhấn của quyết định là đổi mới tư duy về liên kết phát triển vùng, liên kết phát triển chuỗi đô thị nội vùng, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Qua đó thúc đẩy liên kết các đô thị tạo thành chuỗi để mở ra không gian phát triển mới, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về các ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực.

Trong đó, khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong chuỗi đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững; phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển…

Mục tiêu hướng đến là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm khoa học công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Để đạt được mục tiêu này, quyết định cũng đưa ra định hướng tổ chức liên kết, hợp tác phát triển. Về liên kết không gian, ngành kinh tế sẽ hình thành, phát triển vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đến biển) thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng.

Về chuỗi đô thị, xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Đà Nẵng và các đô thị lân cận; phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên; xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai (Kỳ Hà) – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn. Bên cạnh đó, liên kết phát triển các ngành kinh tế du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, cùng với kinh tế biển trong chuỗi đô thị là một chiến lược tổng thể nhằm tối ưu hóa tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, tạo ra sự phát triển đồng bộ và bền vững cho khu vực miền Trung Việt Nam.

Đà Nẵng có hạ tầng giao thông phát triển sẽ là trung tâm phát triển của vùng. TRONG ẢNH: Sân bay quốc tế Đà Nẵng.Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng có hạ tầng giao thông phát triển sẽ là trung tâm phát triển của vùng. TRONG ẢNH: Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Vũ Quang Hùng, Đà Nẵng không chỉ là “trái tim” của miền Trung mà còn là hạt nhân kinh tế – văn hóa – khoa học, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển liên vùng và hội nhập quốc tế. Với hệ thống chính sách ưu tiên từ Trung ương cùng lợi thế vị trí địa lý, thành phố đang vươn mình trở thành biểu tượng của sự năng động và sáng tạo, dẫn dắt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hướng tới tương lai bền vững.

Đà Nẵng sở hữu vị trí chiến lược hiếm có, về giao thương quốc tế có cảng Liên Chiểu và Tiên Sa là hai cảng biển nước sâu, đón tàu trọng tải lớn, kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế. Cảng Liên Chiểu sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), thành phố là cầu nối giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, mở ra cơ hội hợp tác xuyên biên giới; đồng thời Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng phát triển…

Theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố, về định hướng liên kết chuỗi đô thị thông qua các ngành kinh tế chủ lực như liên kết ngành du lịch, với việc đẩy mạnh liên kết điểm đến trong chuỗi đô thị; liên kết về sản phẩm du lịch; liên kết về thị trường khách… Ngoài ra có liên kết ngành công nghiệp như hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp liên kết khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Huế) – Khu Công nghệ cao Đà Nẵng – Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) – Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) – Khu công nghiệp Nhơn Hội (Quy Nhơn). Quyết định cũng định hướng về liên kết ngành nông nghiệp; liên kết ngành giao thông vận tải và logistics; liên kết về kinh tế biển…

Đặc biệt, để triển khai thực hiện, về phía thành phố cần tập trung nguồn lực, phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, trọng điểm làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư như xây dựng cảng Liên Chiểu; di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; hoàn thiện hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao giai đoạn 2, giai đoạn 3; đưa vào hoạt động Khu công viên phần mềm số 2, số 3 và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các khu công nghiệp: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn, Hòa Ninh…

Theo Báo Đà Nẵng