Hỗ trợ các tỉnh, thành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh, bền vững

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực, công nghệ… để chủ động cuộc chơi về phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Phân tích của TS Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Giảm phát thải khí nhà kính tại buổi tập huấn và toạ đàm về thúc đẩy vai trò của VCCI trong hỗ trợ các tỉnh, thành phố cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh và bền vững do VCCI tổ chức mới đây tại Quảng Ninh.

anh-1-tap-huan.png

Toàn cảnh buổi Tập huấn và Toạ đàm về thúc đẩy vai trò của VCCI trong hỗ trợ các tỉnh, thành phố cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh và bền vững

Nhiều thách thức hiện hữu

Buổi tập huấn và tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chuyên gia hàng đầu về tư vấn chính sách và giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững cùng đại diện của 8 chi nhánh đại diện của VCCI trên toàn quốc.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số xanh cấp tỉnh thông tin, thông qua buổi Tập huấn và Toạ đàm ngày hôm nay, với các bài tham luận của các chuyên gia sẽ có những khuyến nghị tốt nhất, thiết thực nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, địa phương sớm có các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.

anh-2-tap-huan.png

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số xanh cấp tỉnh

Xác định tăng trưởng xanh là xu thế phát triển tất yếu hiện nay, Việt Nam đã và đang chủ động trong cuộc chơi tiên phong, hội nhập trên hành trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Song, kết quả đạt được vẫn chưa cao.

Theo Green Growth Index 2024, tính đến năm 2022, tăng trưởng xanh của Việt Nam đứng thứ 73/157 nước trên thế giới. Còn theo Global Green Economy, nền kinh tế xanh của Việt Nam xếp hạng 79/160 nước và xếp thứ 16/50 nước trong khu vực châu Á.

Kết quả này tuy cao, nhưng vẫn chưa phải là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay tại Việt Nam do vẫn còn nhiều vướng mắc về quá trình thực hiện và các chính sách kiểm kê hiệu ứng nhà kính, đội ngũ quản và quy trình quản lý chuyên nghiệp làm quá trình giảm phát thải ròng tại nước ta đang bị kìm hãm.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Giảm phát thải khí nhà kính khẳng định: “Chuyển đổi xanh ở Việt Nam hiện nay phải là xu thế tất yếu chứ không đơn thuần chỉ còn là lựa chọn nên hay không nên. Các doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh”.

“Song, trên con đường đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang phải trải qua nhiều thách thức về tài chính, nguồn lực, công nghệ, sự chủ động tiếp cận các thay đổi xu thế và quy định mới… để chủ động cuộc chơi. Chính vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ cần hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ từ VCCI nói riêng và các cấp chính quyền tại Việt Nam nói chung”.

Còn theo ông Phạm Văn Hùng – Chuyên gia Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế VCCI cho biết: “Cần thiết phải có hệ thống văn bản hoàn thiện, cơ chế pháp lý rõ ràng, cụ thể để thắt chặt thêm nữa việc phát triển các thủ tục đầu tư đối với dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

anh-3-tap-huan.png

TS. Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Giảm phát thải khí nhà kính

Vai trò của VCCI…

VCCI có vai trò quan trọng trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh và bền vững.

Bà Đặng Hồng Hạnh nhấn mạnh: “VCCI có vai trò tập hợp, đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp, hỗ trợ các bên lên kế hoạch, chiến lược. Đặc biệt, tăng cường việc phản biện, góp ý dề xuất chính sách cục thể để hỗ trợ cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế. VCCI cũng là sân chơi kết nối các chuyên gia, tư vấn, cập nhật các xu thế mới… Bên cạnh đó, cũng sớm đưa ra các cơ chế khuyến khích PCI, PGI, CIS của các địa phương ngày càng vươn xa hơn nữa”.

Đại diện tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nếu có được sự giúp đỡ của VCCI và các chuyên gia sớm hơn, Bắc Giang sẽ không mất quá nhiều thời gian loay hoay tìm cách phát triển kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, VCCI đang lên phương án thành lập mạng lưới chuyên gia quản trị kinh tế địa phương và tăng trưởng xanh, góp phần tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, lành mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây cũng là cơ hội để VCCI phối hợp chặt chẽ với các địa phương, góp phần thúc đẩy, nhân rộng các nguyên tắc, thông lệ tốt và điều hành kinh tế cấp tỉnh và tăng trưởng xanh, cung cấp kiến thức chuyên môn đáp ứng nhu cầu của tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư…

anh-4-tap-huan.png

Ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế trung ương cho ý kiến về việc đẩy mạnh việc kết nối các chuyên gia địa phương liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển xanh tại địa phương

“VCCI hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư, đẩy mạnh việc kết nối các chuyên gia địa phương liên quan đến việc phát triển kinh tế, phát triển xanh tại địa phương. Chúng tôi có niềm tin trong việc quản lý nguồn lực, giới thiệu nhân lực chất lượng, các chuyên gia tại địa phương sẽ được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, tại sự kiện, cũng có nhiều đóng góp ý kiến giúp VCCI nâng cao vai trò trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, đảm bảo sát thực với sự phát triển của từng địa phương trong thời gian tới.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp