Kiến tạo vì doanh nghiệp
Còn vài ngày nữa là đến Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024), tôn vinh cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Qua gần 40 năm đổi mới, phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã có các đội ngũ DN hùng hậu, nhiều DN có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Gần 4 năm của nhiệm kỳ 2021 – 2026, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, kịp thời chỉ đạo, chủ động điều hành linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. DN Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn; niềm tin được củng cố, nội lực được tăng cường; nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, hoạt động của DN, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn khó khăn. Cần có thêm những chính sách phát triển các DN nói chung và các DN có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia, cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Để đạt mục tiêu này, một trong những việc quan trọng là kiến tạo môi trường giúp DN phát triển, trong đó có khâu quan trọng là xây dựng ban hành chính sách. Không chỉ ở cấp Trung ương, mà các địa phương cũng phải cùng thực hiện hoạt động này theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 103/CĐ-TTg vừa ban hành.
Công điện yêu cầu các chính sách ban hành hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để DN cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực, hỗ trợ giảm chi phí cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ.
Chỉ ra các “đầu việc” cụ thể cho các địa phương; Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành những công việc cụ thể. Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các DN phát triển bền vững; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN. Bộ KH&ĐT nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển DN nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh. Bộ TT&TT khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế…
Các công việc đã rất cụ thể, thiết thực, hợp lý. Nói cách khác là đường đã mở. Nên cùng với sự tích cực nhiệt tình của DN; sự kịp thời chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách; nhất định năng lực của các DN sẽ ngày càng nâng cao, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.