[Kom Tum] Đưa sản phẩm OCOP “xuất ngoại”
Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành, các chủ thể không ngừng nỗ lực hoàn thiện, nâng cao chất lượng hướng tới xây dựng các tiêu chí để đưa sản phẩm OCOP trong tỉnh đi “xuất ngoại”.
Đến nay, toàn tỉnh có 242 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao còn hiệu lực; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 19 sản phẩm 4 sao, 214 sản phẩm 3 sao. Trong số các sản phẩm OCOP có 8 sản phẩm đã được tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia; trong đó, có 7 sản phẩm đã được Bộ Công thương công nhận và 1 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh khẳng định thương hiệu, chất lượng để vươn ra các thị trường thế giới.
|
Công ty TNHH Yến sào Kon Tum có 19 dòng sản phẩm, trong đó, có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hạng sao OCOP chính là minh chứng về chất lượng để sản phẩm bước ra thị trường, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của HTX đã có mặt tại hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Đặng Xuân Hùng -Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum cho biết: Sau nhiều nỗ lực, tháng 6/2024, Công ty đã xuất được lô hàng đầu tiên với 40.000 hũ yến các loại sang thị trường Trung Quốc, tất cả đều là các sản phẩm OCOP. Theo hợp đồng ký kết, năm nay xuất khẩu khoảng 1 tỷ hũ yến và cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ trong các năm tiếp theo. Sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, giá trị kinh tế cao giúp mang về doanh thu, lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp, từ đó, tạo điều kiện, động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và chinh phục các thị trường khác. Hiện nay, chúng tôi đang đàm phán và xây dựng kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hồng Kông. Việc đưa sản phẩm OCOP “xuất ngoại” không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu hàng hóa của tỉnh trên thị trường quốc tế.
Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng có nhiều dòng sản phẩm được chế biến từ phê, tuy nhiên, sản phẩm cà phê rang xay DakMark có thể nói là nổi bật hơn cả. Năm 2020, sản phẩm này đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Hiện nay, đây vẫn là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh ta được công nhận, là niềm kiêu hãnh của vùngchuyên canh cà phê Đăk Hà.
|
Để tạo ra dòng sản phẩm chất lượng này, Công ty đã liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, thu hái với tỷ lệ quả chín cao, phơi trên sàn cùng với quy trình sơ chế, chế biến được kiểm soát kỹ. Khi tham gia xuất khẩu, sản phẩm OCOP 5 sao cà phê rang xay DakMark luôn được đánh giá cao và được nhiều thị trường ưa chuộng. Hiện sản phẩm được xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Châu Âu.
Để có được kết quả này, cùng với nỗ lực của các chủ thể sản xuất, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình mở rộng sản xuất, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh để hàng OCOP “rộng cửa” ra thị trường.
Việc xuất khẩu sản phẩm OCOP có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao giá trị hàng hóa, tuy nhiên, thực tế không nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu được. Bởi lẽ, để sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu, trước hết các doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình sản xuất đảm bảo, xanh, sạch, an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Tiếp đến là đầu tư về mẫu mã, bao bì sản phẩm để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng thời, phải tập trung quảng bá thương hiệu sản phẩm. Quá trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn và trình độ kỹ thuật cao, trong khi, đa số các doanh nghiệp của tỉnh ta đều quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
OCOP là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để sản phẩm đặc trưng của tỉnh có thể vươn xa, mang lại giá trị kinh tế cao hơn thì cùng với việc tạo dựng chỗ đứng tại thị trường trong nước cũng cần hướng đến xuất khẩu.