[Thừa Thiên Huế] Số hóa ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp đang triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về số hóa ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Nông sản được chế biến và xây dựng thương hiệu |
Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp triển khai có hiệu quả bước đầu đối với một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số. Đáng chú ý là mô hình truy xuất nguồn gốc đối với các loại cây ăn quả như bưởi, thanh trà, ổi… Quá trình sản xuất được số hóa và người dùng có thể tra cứu, truy xuất thông tin, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây trồng.
Mô hình nuôi tôm thẻ thông minh ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật – một hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số) trong giám sát, tương tác tự động. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo các chỉ số môi trường trong ao nuôi, theo dõi qua ứng dụng trên điện thoại, giúp người nuôi có thể quản lý từ xa, phát hiện sớm các yếu tố bất lợi để kịp thời điều chỉnh giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Ngành thủy lợi đã số hóa, tích hợp dữ liệu về thủy lợi, phòng, chống thiên tai trên nền tảng Hue-S với các dữ liệu ban đầu, như số liệu về mực nước các hồ chứa, mực nước trên sông Hương, sông Bồ, mực nước tại các đập thủy lợi, thủy điện, các thông tin về thời tiết, lượng mưa, sức gió, ngập lụt và các cảnh báo liên quan. Từ đó, giúp người dân có thể nhanh chóng cập nhật thông tin về thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại trong mùa mưa lũ.
Một số dữ liệu chuyên ngành được quản lý bằng các phần mềm chuyên dụng, như hầu hết tàu cá xa bờ (436 tàu cá) được trang bị thiết bị giám sát hành trình và quản lý trên phần mềm Vnfishbase (cơ sở dữ liệu hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác). Hầu hết các lô rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 338 ngàn ha được số hóa và quản lý trên phần mềm GIS. Đây là hệ thống công cụ tập hợp các quy trình trên máy tính dùng để thu thập, quản lý, lưu trữ dữ liệu địa lý và thực hiện lập bản đồ, phân tích sự vật, hiện tượng xảy ra cũng như dự đoán tác động và hoạch định chiến lược. Ứng dụng phần mềm trong quản lý tài nguyên rừng, cảnh báo cháy rừng bằng thiết bị bay không người lái. Số hóa, cập nhật thông tin thường xuyên về dịch bệnh động vật tại địa phương lên hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS), đáp ứng thông tin kịp thời trong công tác phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế về cơ sở hạ tầng số ở nông thôn, nhận thức, kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của bà con nông dân, sự phân tán của dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp. Một bộ phận nhỏ cán bộ và người lao động đã quen với cách thức làm việc, lưu trữ thông tin số liệu theo phương thức truyền thống, chưa kịp thích ứng với các ứng dụng, phần mềm hiện đại nên gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa dữ liệu. Chi phí đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất nông nghiệp rất lớn…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tất cả các xã đạt chuẩn chỉ tiêu có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Một nửa số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn chỉ tiêu có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế – xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Số xã này đảm bảo đạt chuẩn chỉ tiêu có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên…
Đối với phát triển kinh tế số, phấn đấu có ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã và 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Riêng xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa; tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Mỗi huyện, thành phố có ít nhất một mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất như kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa… Kế hoạch được triển khai ở khu vực nông thôn của cả tỉnh, kể cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, huyện nghèo.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp triển khai tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới…