Việt Nam hoan nghênh Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường

Việc Mỹ điều trần là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chiều nay cho biết tại phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5, phía Việt Nam nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.

“Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần. Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tại phiên điều trần, phía Việt Nam đồng thời nhấn mạnh kinh tế Việt Nam thậm chí làm tốt hơn nhiều nước được công nhận quy chế này.

“Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Mỹ, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước”, bà Hằng nói.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy thủy sản ở Cà Mau. Ảnh: An MinhChế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy thủy sản ở Cà Mau. Ảnh: An Minh

Hiện, 72 nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song và đa phương với hơn 60 đối tác.

Bộ Thương mại Mỹ dựa vào nhóm tiêu chí để công nhận một nền kinh tế có phải là nền kinh tế thị trường hay không, gồm tiền tệ được tự do chuyển đổi, mức lương được trả theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, cho phép lập liên doanh và đầu tư nước ngoài. Họ còn cân nhắc các yếu tố như liệu chính phủ có kiểm soát công cụ sản xuất, hoặc can thiệp vào phân phối tài nguyên hoặc giá cả, sản lượng hay không.

Việc được công nhận sẽ làm giảm thuế nhập khẩu áp lên nhiều sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ. Cùng đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, theo giới phân tích.

Các hãng bán lẻ và nhiều nhóm doanh nghiệp tại Mỹ ủng hộ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Quá trình đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại Mỹ – Việt Nam tăng gần 300 lần, đạt gần 111 tỷ USD tính đến cuối 2023. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục giữ vị trí này, với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Về nhập khẩu, nước này cũng nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng 4.

Theo Báo VNEXPRESS