[Gia Lai] Tăng cường đối ngoại để thúc đẩy hoạt động xuất-nhập khẩu
Để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đối ngoại với các đơn vị nước bạn, kịp thời phối hợp tháo gỡ những vướng mắc.
Kết quả, kim ngạch xuất-nhập khẩu qua CKQT Lệ Thanh trong quý I-2024 tăng mạnh.
Kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng mạnh
Ông Nguyễn Văn Chi-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh (Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum) cho biết: Thời gian qua, lực lượng Hải quan đã phối hợp tốt với các lực lượng đóng chân trên địa bàn cửa khẩu trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hàng hóa xuất-nhập khẩu qua biên giới; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất-nhập khẩu theo quy định, không để xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa, phương tiện. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan; duy trì thường xuyên bộ phận hỗ trợ, giải đáp vướng mắc và cung cấp thông tin với người khai hải quan và người nộp thuế.
“Điểm sáng trong hoạt động tại khu vực CKQT Lệ Thanh quý I-2024 là kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đây là thời điểm thu hoạch các mặt hàng nông sản như mì, trái cây, hạt điều, đặc biệt là mặt hàng điều thô chưa bóc vỏ có trị giá cao được nhập khẩu tương đối nhiều dẫn đến kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng đột biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu phân bón và vật tư nông nghiệp phục vụ các dự án đầu tư tại Campuchia”-ông Chi thông tin.
Xe chở hàng hóa chờ làm thủ tục xuất-nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: K.N |
Theo đó, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tại CKQT Lệ Thanh trong quý I-2024 đạt 47,97 triệu USD, tăng 105,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 35,47 triệu USD, tăng 187,7%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là cao su định chuẩn kỹ thuật, hạt điều, củ mì tươi, mì lát, quả xoài tươi. Kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 triệu USD, tăng 10%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: thép, nhà ở công nhân (nhà tiền chế), phân bón, năng lượng điện, thùng carton, hàng bách hóa, vật tư nông nghiệp, bột đá vôi, đồ nội thất bằng thép, thuốc thú y, ô tô tải. Tổng số thu ngân sách nhà nước tại khu vực CKQT Lệ Thanh trong quý I đạt hơn 2,4 tỷ đồng; số thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra-vào cửa khẩu tính đến ngày 15-3 là hơn 958 triệu đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin cũng được các lực lượng chức năng duy trì. Lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia thống nhất phối hợp ngăn chặn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất-nhập khẩu, xuất-nhập cảnh, đảm bảo an ninh chính trị 2 bên biên giới. Thiếu tá Phan Văn Hùng-Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh-cho hay: “Trong quý I, đơn vị đã tăng cường chốt chặt dọc tuyến biên giới nhằm kiểm soát chặt chẽ việc xuất-nhập cảnh trái phép; chủ trì, phối hợp với các lực lượng quản lý nhà nước về biên giới để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu. Tổ chức tuần tra, mật phục, kiểm soát bảo vệ biên giới được 30 lần với 163 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tuần tra bảo vệ thôn, làng được 32 lần với 133 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đồng thời, đơn vị còn xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường trinh sát xuống địa bàn để nắm chắc mọi diễn biến tình hình ở nội, ngoại biên”.
Cũng trong thời gian qua, công tác kiểm dịch thực vật được các đơn vị chức năng chú trọng. Ông Hà Văn Vận-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật CKQT Lệ Thanh-thông tin: “Tổng khối lượng hàng hóa nhập khẩu được tiến hành kiểm tra là hơn 84 ngàn tấn, tăng 105,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng quá cảnh gần 12 ngàn tấn, hàng nhập khẩu hơn 72 ngàn tấn. Đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 388 bộ hồ sơ/437 lô hàng đăng ký đề nghị cấp giấy kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Tất cả hồ sơ đăng ký của cá nhân, tổ chức được giải quyết nhanh chóng, chính xác theo quy định hiện hành, không có hồ sơ tồn đọng hay giải quyết chậm trễ. Tổng số phí thu được trong quý I đạt gần 105 triệu đồng”.
Tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh: “Hiện có một số mặt hàng từ phía Campuchia không được nhập về Việt Nam như: khoai lang, quặng sắt… do phía nước bạn không cấp phép xuất khẩu. Về phía Việt Nam cũng có doanh nghiệp muốn xuất khẩu nhãn sang Campuchia nhưng lại không có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nên cũng không thực hiện được. Chúng tôi đã hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa để thuận lợi trong xuất khẩu. Thêm nữa, doanh nghiệp hoạt động tại khu vực cửa khẩu chủ yếu là doanh nghiệp địa phương, quy mô nhỏ. Khi làm thủ tục số, doanh nghiệp phải có sự am hiểu công nghệ mới thực hiện được. Dù lực lượng Hải quan đã hướng dẫn khai rất chi tiết nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện chưa trôi chảy”.
Người dân đang làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy |
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-nhận định: Thực tế cho thấy, chính sách biên mậu giữa 2 bên chưa linh hoạt, chưa thống nhất do hệ thống pháp luật 2 nước khác nhau. Cơ chế thu hút đầu tư để phát triển thương mại-dịch vụ tại cửa khẩu còn thiếu và yếu. Đây là CKQT nhưng chưa có ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ liên quan đến ngoại hối. Chợ biên giới cũng chưa có hướng nào để hoạt động. Các doanh nghiệp ở đây đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu hoạt động thương vụ, chưa có chiến lược hoạt động lâu dài, thiếu nghiệp vụ chuyên môn về xuất-nhập khẩu. Vì vậy, hoạt động chủ yếu là mua bán trao tay, nhỏ lẻ, số thuế không cao và chưa thường xuyên.
“Trong quý II và thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy lợi thế quan hệ giữa 2 cửa khẩu để nâng cao năng lực trao đổi hàng hóa. Ban Quản lý cũng sẽ tập trung triển khai dự án đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh theo lộ trình, tập trung vào khu trung tâm, thúc đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch chung. Ngoài ra, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động đối ngoại với chính quyền và các lực lượng khu vực cửa khẩu phía nước bạn, tạo không khí cởi mở, hợp tác để xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện cho cư dân 2 bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị tham mưu sửa đổi những quy định chưa phù hợp để phát triển thương mại biên giới”-ông Trình cho hay.