Sức mạnh nội sinh!
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằngđạo đức, văn hoá kinh doanh phải trở thành nền tảng cốt lõi trong mọi hoạt động của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Đình Đoàn: “Lý thuyết về phát triển kinh tế” của Josph A. Strumpeter đã gắn vai trò cốt lõi của doanh nhân là “cải cách”, coi phát triển kinh tế là sự thay đổi năng động riêng biệt do doanh nhân mang lại. Ngày nay, vị thế của một quốc gia, dân tộc phụ thuộc lớn vào khát vọng kinh doanh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dấn thân của đội ngũ doanh nhân.
– Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị là xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, theo ông làm thế nào để hiện thực hoá mục tiêu trên?
“Pháp luật là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là luật pháp tối đa”. Để hiện thực hoá được điều đó trước hết phải thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng, tạo khung khổ cho việc tổ chức, vận hành, thực thi, giám sát. Bao gồm, một hệ thống đồng bộ các quy định, thiết chế làm “giá đỡ” cho sự phát triển và phát huy các giá trị đạo đức, văn hoá kinh doanh cũng như phát triển các giá trị mới về đạo đức và văn hoá kinh doanh trở thành động lực nội sinh của mỗi doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng chiến lược quốc gia về văn hoá kinh doanh trở thành nguồn quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Trong đó, nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh trên nền tảng đạo đức doanh nhân, bao gồm tinh hoa giá trị văn hoá dân tộc kết hợp hài hoà các giá trị của văn hoá kinh doanh của thế giới. Qua đó, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tâm và có tầm, thể hiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Với các doanh nhân, cần chủ động thay đổi tư duy, nhận rõ xu thế của thời đại. Doanh nhân phải nhận thức, đạo đức, văn hoá kinh doanh là “máu thịt” của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, mỗi doanh nhân cần xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để thực hiện chủ động – sáng tạo văn hoá kinh doanh cho doanh nghiệp của riêng mình trên nền tảng chung.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp trong việc kết nối, sẻ chia và lan tỏa các giá trị đạo đức, văn hoá kinh doanh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
– Đạo đức, văn hoá kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Nếu văn hoá là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội thì văn hoá kinh doanh chính là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một quốc gia. Văn hoá kinh doanh trở thành “con đường” giúp doanh nghiệp chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài, đóng vai trò then chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân đạt được thành công trên thương trường.
Trong quá trình hội nhập, cải tiến và đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết và tất yếu, song điều quan trọng hơn là việc tạo dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh mang sắc thái Việt Nam mới chính là con đường ngắn, hiệu quả phù hợp với xu thế và phát triển chung. Đạo đức, văn hoá kinh doanh là nguồn lực phát triển kinh doanh, là điều kiện đẩy mạnh kinh doanh quốc tế.
– Cá nhân ông và Tập đoàn Phú Thái thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh như thế nào?
Tập đoàn Phú Thái được thành lập từ năm 1993. Trong suốt quá trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, với năng lực vượt trội trên thị trường, Phú Thái luôn là cầu nối, trực tiếp cung cấp nhiều giá trị tốt đẹp cho người tiêu dùng, mang đến lợi ích tối đa cho khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, nhân viên và xã hội…
Phú Thái đã đưa đạo đức, văn hoá kinh doanh trở thành một trong những nền tảng chủ yếu trong kinh doanh, có tác động trực tiếp đến định hướng chiến lược, quản lý và ra các quyết định. Tại Phú Thái, đạo đức, văn hoá kinh doanh hàm chứa trong các giá trị sứ mệnh, tầm nhìn, phong cách làm việc, niềm tin và thói quen của CBNV như: sự trung thực, uy tín và cạnh tranh lành mạnh.
Điều đó tạo ra tiêu chí cho cách thức kinh doanh hằng ngày cũng như tạo ra những khuôn mẫu chung về quan điểm và động cơ trong kinh doanh. Nhận thức sâu rộng đó không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn ở tất cả các cấp cán bộ, nhân viên.