‘Cải cách mạnh thể chế, tạo môi trường, cơ hội chứ không phải tháo gỡ’
Năm 2024, cần có sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, song không thể thiếu vai trò này từ chính doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc đầu tiên là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam. Nhân Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 do VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao, Báo Tin tức đăng tải một số ý kiến chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: BTC
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Chính sách hướng tới doanh nghiệp, “hút” đầu tư dự án xanh
Chính phủ và Quốc hội đang có nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, liên quan tới việc hoàn thiện thể chế, các Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Trong Nghị quyết của Quốc hội nêu: Chính phủ sớm có giải pháp để ưu tiên thu hút đầu đầu tư và đẩy nhanh các dự án xanh, đặc biệt truyền tải phân phối, đảm bảo cung ứng điện.
Các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm 2023. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực. Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 nhấn mạnh việc tập trung đào tạo nhan lực, như phải đào tạo 50.000 – 100.000 lao động cho công nghiệp chip và bán dẫn, để tận dụng cơ hội mới từ kết quả ngoại giao kinh tế.
Đối với ưu tiên thu hút FDI, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này. Điều quan trọng nhất để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp.
GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: MP/Báo Tin tức
GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:
Cải cách mạnh mẽ về thể chế, tạo môi trường pháp lý
Việc có chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam là chưa đủ, mà cần đồng hành với họ. Đặc biệt, cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý hay “tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ”…. Năm 2024, dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, thực tiễn có thể mở ra những thuận lợi hơn, tuy nhiên tất cả các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực trong năm nay đều thấp hơn con số của năm 2023.
Trong khi đó, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% – 6,5%, cao hơn năm 2023. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, nguồn lực xuất khẩu, khó thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
Chúng ta không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành với họ, đặc biệt cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý và tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: BTC
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Cần gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh
Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Chúng ta hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi””. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Dưới khía cạnh doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, Việt Nam cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Điều rất quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính. Ảnh: BTC
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính:
Khai thác các động lực tăng trưởng mới
Để tạo đà tăng trưởng năm 2024, Việt Nam cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.
Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, để có chỉ đạo có cơ chế chính sách thực hiện rõ ràng.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới; nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính – tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, tổ chức tín dụngyếu kém nhằm góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng.
Cuối cùng, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động (xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia), tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital. Ảnh: BTC
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital:
Hai cơ hội lớn đối với Việt Nam
Năm 2024, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội hơn khó khăn. Thứ nhất về cơ hội, với ngành sản xuất, năm 2023, Việt Nam có một năm khó khăn nhưng vấn đề là trên toàn thế giới đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho tuy nhiên theo dõi của Dragon Capital cho thấy, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu thì đâu đó mức hàng tồn kho đã trở về mức bền vững. Chúng ta có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.
Thứ hai, là sự đồng pha giảm lãi suất. Tháng 11/2023, lần đầu tiên số lượng các ngân hàng Trung ương trên thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là điều kiện cần thiết. Trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng, Việt Nam đi trước cắt giảm lãi suất nhưng có sự đồng pha của toàn cầu thì quan trọng hơn.
Với xu hướng đầu tư, xu thế dòng tiền cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua, chúng ta bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công cũng đã bắt đầu và đây là nền tảng cần thiết, tạo nền tảng niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, đâu đó ta phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất, nửa sau của năm 2024, sẽ có phục hồi tích cực hơn.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làn sóng chuyển dịch về sản xuất TQ+1 thực sự bắt đầu từ năm 2014 và mạnh mẽ từ năm 2018, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp “khủng long” như: Apple, Samsung… Để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, chúng ta cần có hệ sinh thái đầy đủ của hệ thống doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như là chất lượng nhân công Việt Nam. Chúng ta có thể kỳ vọng, đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và 2024 là năm phục hồi kinh tế.