[Quảng Trị] Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng phù hợp
Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Tại Quảng Trị, du lịch nông nghiệp, cộng đồng đang được nhiều địa phương, người dân quan tâm.
Một mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Hướng Hóa thu hút du khách -Ảnh: TÚ LINH
Vườn hoa có tên Òm Đi của một nhóm nông dân thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh được xây dựng cách đây 3 năm là một trong những điểm nhấn du lịch nông nghiệp của địa phương này.
Vào những ngày lễ, tết hằng năm, du khách đến tham quan rất đông, ai cũng ngưỡng mộ trước vẽ đẹp được khai thác từ thế mạnh nông nghiệp để trở thành điểm du lịch cho nhiều người trải nghiệm. Không chỉ vườn hoa Òm Đi, huyện Gio Linh còn có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác đã lan tỏa, thu hút du khách.
Tại huyện Hướng Hóa, khoảng 3 năm trở lại xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, tập trung vào các cánh đồng hoa, “cánh đồng điện gió”, nông nghiệp sạch, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Hiện trên địa bàn huyện có 12 mô hình du lịch nông nghiệp.
Mô hình Khe Sanh Valley Farm ở thị trấn Khe Sanh có diện tích 3,5 ha là đất trồng cây lâu năm được sử dụng vào mục đích phục vụ nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, dịch vụ ăn uống. Ở xã Hướng Tân, mô hình du lịch Bảo Nguyên Xanh có diện tích gần 2 ha sử dụng đất vào mục đích dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí, lưu trú, trong đó 800m2 đất ở nông thôn và hơn 11.000m2 đất trồng cây lâu năm. Các mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch đến với tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, tại các địa phương trong tỉnh đang có nhiều hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh các hoạt động du lịch dưới dạng điểm check in, vườn hoa; có các hoạt động xây dựng cải tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ- du lịch trên hiện trạng chủ yếu đất nông nghiệp.
Việc làm này đã thu hút được nhiều du khách, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, đây là tình trạng tự phát, chưa đáp ứng đầy đủ các cơ sở pháp lý về quản lý đầu tư, du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào nông nghiệp bền vững đang được nhiều địa phương khuyến khích đầu tư. Do đó, cần có các giải pháp hỗ trợ, quy trình phát triển du lịch rõ ràng, giúp nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Tân đề nghị UBND tỉnh xem xét giao các sở sớm đề xuất giải pháp xử lý phù hợp với hiện trạng du lịch nông nghiệp và cộng đồng đang phát triển tại địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu các nội dung về quản lý, phát triển du lịch nông nghiệp và cộng đồng của các địa phương ngoài tỉnh đang có cách làm phù hợp để xây dựng quy hoạch, chính sách, điều kiện, thủ tục, quy trình về đầu tư, khai thác mô hình du lịch đúng pháp luật.
Trước đề nghị của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã có văn bản chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất hướng phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Tham mưu UBND tỉnh có định hướng, chỉ đạo phát triển hiệu quả trong thời gian đến.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, thay vì đến Đà Lạt để xem trồng hoa cẩm tú cầu, du khách hãy đến Hướng Hóa để được xem những vườn hoa này thật đẹp; đến Gio An, Gio Linh xem trồng rau liệt trên ruộng đá cạnh các giếng cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi…
Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp và du lịch. Du lịch là phương tiện truyền bá hình ảnh, nâng cao giá trị của nông nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ.
Muốn vậy cần thay đổi tư duy làm du lịch-dịch vụ. Có 4 bước xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp cần lưu ý. Đó là kết nối, nâng cao năng lực, thúc đẩy thu nhập và nhân rộng.
Sản phẩm của loại hình du lịch này cần phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch.
Khi đó du lịch không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn làng quê.
Trong bối cảnh hiện tại, các hợp tác xã, nông dân nên tập trung phát triển chất lượng, tiềm năng sẵn có của nông nghiệp ngày càng mạnh mẽ, lan tỏa hơn. Khi có thương hiệu nhất định, các chủ thể sẽ mạnh dạn hơn kết hợp du lịch để tăng cường quảng bá và tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng không chỉ diễn ra ở Quảng Trị, trước đó đã rầm rộ ở nhiều địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Đây đang là xu hướng của thế giới và là lợi thế của chúng ta.
Vì vậy khai thác lĩnh vực này thành nội ngành kinh tế du lịch nông nghiệp và trở thành thương hiệu là vấn đề cần quan tâm. Về lâu dài, phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP là hướng đi hiệu quả. Các lao động trẻ nông thôn sẽ là nguồn nhân lực phù hợp, bổ khuyết cho các mô hình hiện tại đang thiếu nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng đang gặp một trở ngại là chuyển đổi, sử dụng đất nông nghiệp làm du lịch thế nào cho hợp lý.
Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng cần tạo ra cảnh quan nông thôn để giữ khách du lịch, đây mới là mô hình du lịch cộng đồng, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ nghiên cứu lại đất hợp tác xã, đất làm trang trại, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định mới để vừa giữ được đất nông nghiệp với tỉ lệ phù hợp và vừa có diện tích để phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.