Việt Nam – nơi đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Đức
Nhà đầu tư Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện của AHK (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức) tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar cho biết, 91% công ty Đức ở Việt Nam có ý định mở rộng đầu tư và 57% đang kiếm các nhà cung cấp mới tại thị trường này để đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế của họ.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện của AHK (Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức) tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar.
Thưa ông, Việt Nam đóng vai trò như thế nào đối với nhà đầu tư Đức?
Ông Marko Walde : Niềm tin của các nhà đầu tư Đức vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng lên nhờ Việt Nam đang phát mạnh và những hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh doanh thế giới mùa xuân 2023 của AHK Việt Nam, 91% công ty Đức tại đây muốn mở rộng đầu tư hơn nữa. Đáng chú ý, tới 57% doanh nghiệp Đức ở đây đang tìm nhà cung cấp mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI khá lớn trong những thập kỷ qua. Việc này giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ. Thị trường Việt Nam cũng mở cửa và hội nhập sâu và rộng với thế giới.
Ông Marko Walde
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), các công ty Đức đã đăng ký 159,4 triệu USD vốn đầu tư vào Việt Nam qua 18 dự án mới từ ngày 1/1 đến ngày 20/6/2023.
Thưa ông, có những yếu tố nào khác đang kéo doanh nghiệp Đức đến Việt Nam không?
Ông Marko Walde : Có vô số cơ hội cho giới đầu tư Đức như: dân số Việt Nam đông và trẻ, Việt Nam có vị trí chiến lược trong khu vực, hệ thống chính trị ổn định và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam đã và đang thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và dịch vụ.
Theo các doanh nghiệp Đức, Việt Nam cũng là một điểm đến của các công ty quốc tế trong xu hướng “Trung Quốc + 1” vì các công ty đa quốc gia phải nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc, và họ đang hướng tới các nước Đông Nam Á đang cạnh tranh mạnh trong việc thu hút FDI .
Ngoài ra, doanh nghiệp Đức tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam và cũng cam kết mạnh mẽ khi đầu tư ở đây.
Ông vui lòng cho biết tên những doanh nghiệp Đức tiêu biểu trong xu hướng này?
Ông Marko Walde : Đó là Stada Việt Nam, một công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu. Stada Việt Nam khai trương văn phòng mới tại TP.HCM đầu tháng 8 này.
Điều này cho thấy, Tập đoàn Stada của Đức tăng cường đầu tư với mục tiêu hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, đồng thời đầu tư chiến lược ở Đông Nam Á.
Stada đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam” đạt chứng nhận danh giá EU-GMP của châu Âu. Các sản phẩm chất lượng cao này được xuất đi toàn cầu, nhờ đó thúc đẩy mạnh quá trình phát triển ngành dược của Việt Nam. Điều này cũng thể hiện niềm tin và trách nhiệm của các nhà đầu tư Đức đối với Việt Nam và đối với quá trình phát triển kinh tế xanh, bền vững ở đây.
Ngoài ra, hãng xe Đức BMW đã hợp tác với Tập đoàn Thaco để bắt đầu sản xuất tại Chu Lai, Quảng Nam các dòng xe BMW Series 3, Series 5, X3 và X5.
Ở Bình Định cùng miền Trung, Tập đoàn Leonhard Kurz (Đức) đang đầu tư khoảng 40 triệu USD xây nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao. Trong tháng 5, ngân hàng Deutsche Bank của Đức tăng gần gấp đôi số vốn được phân bổ cho Deutsche Bank Việt Nam lên hơn 200 triệu USD.
Thị trường nào cũng có cả thuận lợi và khó khăn. Ông đánh giá thị trường Việt Nam như thế nào?
Ông Marko Walde : Việt Nam tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Đức nhưng cũng có thách thức. Theo khảo sát trên của AHK chúng tôi, thách thức lớn đối với các công ty Đức tại Việt Nam là dung lượng thị trường chưa phát triển đủ lớn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng trọn vẹn, một số chính sách kinh tế, có những nơi hạ tầng giao thông chưa phát triển tốt, và có khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Những thách thức này ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Vì vậy, họ cần áp dụng các chiến lược linh hoạt và uyển chuyển. Họ cũng cần hợp tác hiệu quả với chính quyền trung ương và địa phương để hướng tới lợi ích chung. Ngoài ra, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp và đẩy mạnh các hoạt động giao thương và mở rộng kết nối, tạo dựng niềm tin cho nhau cũng rất được khuyến khích.
Trong bối cảnh ông đề cập, AHK đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Ông Marko Walde : Chúng tôi tích cực hỗ trợ ngoại thương của nước Đức và cung cấp các dịch vụ để doanh nghiệp Đức đặt chân vào và phát triển ở Việt Nam từ năm 1994.
AHK Việt Nam có mạng lưới rộng khắp và đã hỗ trợ nhiều công ty Đức trong tuyển dụng và đào tạo nhân viên, tìm kiếm đối tác kinh doanh và tìm hiểu thị trường. Chúng tôi cũng hỗ trợ về marketing và các sự kiện kết nối doanh nghiệp và giao thương.
Thưa ông, phần trên ông đề cập đến tăng trưởng tốt của kinh tế Việt Nam. Ông vui lòng cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Marko Walde : Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,1% từ năm 2016 đến năm 2019. Dù đại dịch COVID-19 gây khủng hoảng toàn cầu và vấn đề lớn khác nhưng Việt Nam tăng trưởng đến hơn 8% trong năm 2022 nhờ phục hồi của tiêu dùng nội địa và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng giảm còn 3,7% do lĩnh vực dịch vụ tăng chậm lại. Vấn đề lạm phát và lãi suất cũng ảnh hưởng đến người dân nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam không ngừng thực hiện các kế hoạch hành động phục hồi kinh tế và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.
Một số điểm tiêu biểu gồm đưa ra các chính sách thuận lợi hơn trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi xanh hướng tới không phát thải carbon ròng vào năm 2050, và phê duyệt Quy hoạch phát triển điện VIII. Mặt khác, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho nhiều nước từ ngày 15/8 đã nhận được phản hồi tích cực từ du khách quốc tế.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 374,2 tỷ USD, tăng 13,9%. Về thu hút FDI , vốn đăng ký trong 7 tháng qua là 16,2 tỷ USD. Số dự án được cấp phép mới tăng 75,5% so với cùng kỳ lên 1.627 dự án, và có trị giá 7,9 tỷ USD.
Những dấu hiệu tích cực này phản ánh khả năng phục hồi và tiềm năng tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn của Việt Nam, một “công xưởng” mới của thế giới.
Theo ông, FDI đóng vai trò tầm quan trọng như thế nào với Việt Nam?
Ông Marko Walde : Bên cạnh việc luôn đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam đã thành công trong tăng trưởng kinh tế. Đó là một phần nhờ vào FDI.
Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI khá lớn trong những thập kỷ qua. Việc này giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ. Thị trường Việt Nam cũng mở cửa và hội nhập sâu và rộng với thế giới.
Nhờ có nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đáng chú ý nhất là Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!