[Quảng Trị] Cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Trị cơ bản chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trên phạm vi toàn tỉnh theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, địa phương và trên nhiều lĩnh vực.
Công ty CP gỗ MDF-VRG Quảng Trị luôn đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh. Ảnh: H.N.K
Đến nay, 100% sở, ban, ngành và địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.
Tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng LAN, trang thiết bị tin học cho các sở, ban, ngành và địa phương, đảm bảo 100% cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện có mạng LAN, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh và huyện được trang cấp máy tính sử dụng.
Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Trị đã cung cấp 1.126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 54,9%). Ngoài ra, có 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 698 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 214 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp trên Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tỉnh.
100% sở, ban ngành và địa phương có Cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh…
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Toàn tỉnh hiện có 3.316 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3.192 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,2%, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 3,8%.
Với mong muốn tận dụng tối đa các cơ hội, áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới, nhu cầu các doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh trên cơ sở chuyển dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang các phương thức dựa trên các nền tảng số ngày càng tăng.
Vì vậy, làm thế nào để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh để kiến tạo mô hình kinh doanh số, thực tế áp dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành của doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết.
Tổng giám đốc Công ty CP gỗ MDF-VRG Quảng Trị Cao Thanh Nam cho biết: “Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng luôn xác định nhân lực và công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công. Điều đáng mừng khi hiện nay, nhân viên của chúng tôi đã làm chủ được công nghệ.
Tuy nhiên, làm chủ công nghệ vẫn chưa đủ mà cần phải thay đổi tư duy vận hành công nghệ, thay đổi cung cách tiếp cận và xử lý công việc đó mới là bản chất đích thực của chuyển đổi số. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, chúng tôi luôn khuyến khích cán bộ, nhân viên tự nghiên cứu, sáng tạo, chăm chỉ đọc sách… để nâng tầm hiểu biết và đổi mới quy trình làm việc.
Vì thế, gặp những thời điểm khó khăn như COVID-19 đã cản trở kế hoạch sản xuất-kinh doanh buộc chúng tôi phải rà soát, nghiên cứu lại toàn bộ công nghệ, qua đó phát hiện những bất cập trong quản lý, điều hành.
Đưa vào áp dụng phần mềm quản lý để liên thông tất cả các bộ phận, từ lãnh đạo cao nhất cho đến nhân viên, người lao động. Đặc biệt, phần mềm này giúp kết nối được khách hàng. Chỉ cần ngồi ở nhà truy cập, khách hàng có thể biết được chất lượng sản phẩm, tình trạng đơn hàng của mình mà không phải đến tận nơi để kiểm tra nên đã tiết kiệm được tiền bạc, thời gian, công sức và rất an toàn.
Nhờ vậy mà trong bối cảnh COVID-19 hoành hành nhưng công ty chúng tôi vẫn duy trì được hoạt động sản xuất- kinh doanh để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động”.
Ngoài Công ty CP gỗ MDF-VRG Quảng Trị tích cực chuyển đổi số trong tất cả quy trình hoạt động sản xuất-kinh doanh thì thực tế ở tỉnh Quảng Trị hiện nay số doanh nghiệp tham gia vào lộ trình chuyển đổi số không nhiều.
Bởi chuyển đổi số không chỉ là hiện đại hóa, nâng cấp trang thiết bị và phải thay đổi nhận thức và tư duy, thay đổi mô hình quản trị, vận hành nên đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Có không ít doanh nghiệp đang loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu, phải ưu tiên đầu tư, giải quyết khâu nào trước, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất-kinh doanh đang gặp khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn…
Vì vậy, để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng các mục tiêu đặt ra của tỉnh, các sở ngành, địa phương cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Từ đó, các đơn vị, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền; phân công các ngành phụ trách và chịu trách nhiệm về tiêu chí chuyển đổi số liên quan; nỗ lực cải thiện, nâng cao các chỉ số chuyển đổi số thấp, đi liền với giữ vững, phát triển các chỉ số cao.
Tập trung nâng cao tỉ trọng kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; công khai chỉ số chuyển đổi số của từng đơn vị; có phương pháp, cách làm phù hợp để huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động chuyển đổi số…
Đặc biệt là sớm triển khai đầy đủ các nền tảng số dùng chung trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo sự kết nối liên thông, dẫn dắt và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số.