Chuyển đổi số – giải pháp tạo đột phá cho doạnh nghiệp
98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số.
Sáng 18/5/2023, Hội thảo “Giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp công ty EAVN, hội viên của VCCI-HCM, tổ chức đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh Hồ Chí Minh đề cao vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp: “Thời gian vừa qua, do tác động của cách mạng 4.0 và xu thế của thế giới đòi hỏi các nước cũng như Việt Nam phải có những chính sách tăng trưởng theo chiều sâu để tạo ra những bước đột phá để giúp doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Trước xu hướng thế giới, Việt Nam cũng có những bước quyết liệt trong việc thực hiện phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và thực chất trong doanh nghiệp. Chính phủ coi đây là một hướng có thể tạo những sự đột phá và tiến nhanh đạt tới những chỉ tiêu đặt ra”.
Ông Liêm cho biết, các doanh nghiệp đặt kỳ vọng rất cao vào hiệu quả của chuyển đổi số. Năm 2020, VCCI đã thực hiện khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số. Trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%), đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp trở ngại về đầu tư tài chính dành cho chuyển đổi số cũng như chưa có được nhận thức đầy đủ, đúng về chuyển đổi số sao cho hiệu quả. Nếu thiếu những điều này thì chuyển đổi số sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí có thể gây ra hậu quả và tạo ra tâm lý e ngại chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.
VCCI cũng xác định chuyển đổi số là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có 2 hoạt động cần thiết mà VCCI vẫn đang thực hiện là nâng cao nhận thức doanh nghiệp về chuyển đổi số và kết nối doanh nghiệp với các đối tác, nhà cung cấp để thực hiện chuyển đổi số.
Về vấn đề nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM, đã trình bày một bức tranh tổng quan về các khái niệm chuyển đổi số như “ứng dụng CNTT”, hạ tầng số, chính quyền số, xã hội số, v.v..
Theo đó, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ông Cường nhấn mạnh, việc chuyển đổi số phải xuất phát từ nhận thức. Theo ông Cường, 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là xuất phát từ giới chủ, quyết định bằng ý chí của giới chủ. Nhưng CMCN lần thứ 4 thì “quyền lực” lại nằm trong tay người dùng cuối, toàn dân. Chính vì vậy, toàn dân chứ không phải là một đối tượng đơn lẻ nào sẽ quyết định thành công của cuộc cách mạng 4.0.
Hạ tầng số là một yếu tố rất quan trọng của chuyển đổi số. Trong đó lưu trữ dữ liệu là một bài toán cơ bản. Tuy nhiên, những công nghệ lưu trữ truyền thống đang lộ dần những bất cập trong thời đại mới. Ví dụ như sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp làm việc theo mô hình lai. Một số nhân viên làm việc tại văn phòng, một số làm việc từ xa. Vì thế dữ liệu sẽ bị phân tán và rất khó quản lý.
Theo ông Trần Hiểu Minh, đại diện công ty EAVN, dữ liệu là một tài sản đáng giá, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp thực sự đầu tư nghiêm túc vào việc bảo vệ dữ liệu. Năm 2021, mã độc tấn công dữ liệu (ransomware) đã gây thiệt hại 20 tỷ đô trên toàn cầu. Dự đoán đến năm 2031, con số này phình lên thành 265 tỷ. Ông Minh nhấn mạnh: “Sao lưu là tuyến phòng thủ cuối cùng, nhưng sao các doanh nghiệp không thực hiện!”. Ông Minh nêu ra 3 nguyên nhân. Đó là Chi phí đầu tư cho sao lưu cao, thiếu nhân sự chuyên môn công nghệ thông tin và Thiếu sự quản lý tập trung.
Doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tìm những nhà cung cấp những giải pháp sao lưu có tính tương thích cao, khả năng mở rộng tốt, tiết kiệm không gian lưu trữ nhờ tính năng loại bỏ thông tin trùng lặp.
Bà Lê Hà Như Ngọc, đại diện công ty công nghệ Synology giới thiệu giải pháp hệ thống máy chủ lưu trữ của Synology. Giải pháp này nhắm tới cả những đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dữ liệu được quản lý tập trung, toàn quyền truy cập. Người dùng có thể truy cập dữ liệu từ máy tính hay điện thoại thông minh. Gói phần mềm đi kèm có cả bộ phần mềm văn phòng trên đám mây (như soạn thảo văn bản, bảng tính, trình chiếu..
Theo VCCI-HCM, hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn tầm quan trọng của dữ liệu và được cập nhạt những giải pháp để lưu trữ và bảo vệ dữ liệu mới nhất, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cập nhật thông tin và định hướng kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới.