[Đắk Lắk] “Gập ghềnh” con đường phát triển du lịch bền vững (Kỳ 1)
Ngành du lịch Đắk Lắk đang trên đà lấy lại vị thế của mình, đồng thời nỗ lực gia tăng mức tăng trưởng cho ngành kinh tế quan trọng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề được cộng đồng làm du lịch cũng như các cơ quan quản lý nhà nước ở đây quan tâm là làm sao để “ngành công nghiệp không khói” này phát triển một cách hài hòa và bền vững hơn.
Kỳ 1: Nhìn vào thực tế
Du lịch Đắk Lắk đang ở đâu trong lộ trình phát triển, để vài ba năm nữa sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Câu hỏi này sẽ có câu trả lời một khi mục tiêu đặt ra và những gì mà thực tế đang cho thấy không còn “vênh” nhau nữa.
Mất mát tài nguyên
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả “5 năm triển khai, thực hiện Chương trình số 15 – CTr/TU ngày 13/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về thực hiện Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” được tổ chức vào ngày 27/12/2022, nhiều đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan đã tâm huyết chia sẻ: Đừng nhìn vào mức tăng trưởng bình quân hằng năm trên các mặt doanh thu, số lượt khách và mức độ gia tăng việc xúc tiến liên kết, hợp tác phát triển với nhiều tỉnh thành trên cả nước trong thời gian qua để cho rằng du lịch Đắk Lắk đã có bước tiến mạnh mẽ. Vấn đề là phải nhìn thẳng vào sự thật trên các mặt: chất lượng sản phẩm; môi trường, không gian phát triển, thu hút đầu tư; xúc tiến quảng bá thương hiệu và nhất là cung cách vận hành, hoạt động của ngành kinh tế quan trọng này trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Từ đó có cái nhìn đúng đắn và thực chất hơn nhằm đưa ra giải pháp kịp thời và phù hợp để dẫn dắt ngành kinh tế quan trọng này phát triển xứng tầm trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững thì phải xác định rõ đâu là những “cú hích” tăng trưởng cho ngành kinh tế quan trọng này. Đó chính là những trụ cột như: sản phẩm đặc thù; thu hút đầu tư; cơ chế kích cầu, liên kết phát triển và đào đạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ tại chỗ. Phải soi rọi và đánh giá nghiêm túc lần lượt những vấn đề trên là yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch Đắk Lắk trong bối cảnh hiện nay”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh
|
Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong số mười hạn chế khiến ngành du lịch Đắk Lắk chưa thật sự bứt phá mà báo cáo tại hội nghị trên chỉ ra, thì vấn đề được cho đáng quan ngại nhất là tài nguyên du lịch ở đây đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc ưu tiên phát triển các ngành kinh tế, xã hội khác, đặc biệt là việc đầu tư hệ thống công trình thủy điện trên các dòng sông ở Đắk Lắk. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm thay đổi cảnh quan, môi trường theo hướng tiêu cực: rừng phòng hộ đầu nguồn bị xâm hại và thu hẹp; khô kiệt dần các thác nước vốn thơ mộng và hùng vĩ; vốn di tích lịch sử, văn hóa truyền thống không ngừng bị mất mát, xuống cấp và biến dạng… Tất cả những hệ lụy ấy được xem là “lực cản” lớn nhất buộc chính quyền địa phương cùng cộng đồng làm du lịch ở đây phải đối mặt và tìm cách giải quyết.
Hệ lụy thấy rõ
Có thể nói vùng du lịch trọng điểm Buôn Đôn là một trong những nơi dễ dàng nhận ra hệ lụy trên. Bốn công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn này đã lấy đi nguồn nước tự nhiên vốn rất dồi dào quanh năm, khiến một số danh thắng (như thác Bảy Nhánh, Drăng Phốk, hồ Chư Min, bến nước Tha Luống…) khô kiệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch ở đây.
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch văn hóa, sinh thái Thanh Hà chia sẻ: Danh thắng bị xâm hại khiến sản phẩm du lịch đặc thù và có thế mạnh ở đây như bơi thuyền độc mộc, vượt thác bị tước mất, mà vốn văn hóa của người bản xứ cũng ngày càng trở nên nghèo nàn hơn. Ví như “văn hóa voi”, hiện đang trong tình trạng đáng lo ngại và báo động vì đàn voi nhà giảm sút dẫn đến nhiều sinh hoạt, nghi thức thực hành văn hóa của cộng đồng, chủ sở hữu voi tại chỗ trở nên phai nhạt và mai một. Bên cạnh đó còn phải kể đến kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng, từng hiện diện sinh động trong mỗi gia đình, dòng tộc ở vùng đất này hơn một thế kỷ qua đã lần lượt biến mất. Vì thế, khi du khách đến vùng đất này để tìm hiểu, trải nghiệm về vốn “văn hóa voi” thì các đơn vị làm du lịch trên địa bàn không thể thỏa mãn và đáp ứng được.
Tương tự, không gian sống và cũng là không gian văn hóa – lịch sử của các tộc người bản địa như nhà dài, bến nước, cồng chiêng, sinh hoạt và lao động sản xuất mang tính chất làng nghề truyền thống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ bị suy giảm, phá vỡ nghiêm trọng khiến hoạt động du lịch cộng đồng không còn là thế mạnh nữa, nếu không nói là mất đi tính nhận diện cao về du lịch Đắk Lắk so với trước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: Không gìn giữ, bảo tồn những thành tố quan trọng trên thì du lịch ở đây khó lòng hấp dẫn và thu hút được du khách. Đây thực sự là “bài toán” hóc búa trong việc xây dựng và thiết kế các tour/điểm và sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh trên địa bàn Đắk Lắk. Hơn nữa, những hệ lụy trên còn dẫn đến sự lúng túng, thụ động trong việc định hướng và chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn để quy hoạch, xây dựng và kiến tạo các mô hình phát triển phù hợp, hiệu quả theo hướng thật sự bền vững cho “ngành công nghiệp không khói” này trong hiện tại cũng như tương lai.