Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với 1 quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 2.000% trong năm 2022
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU27 đạt 62,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với 1 quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 2.000%.
Năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU27 khoảng 31,4 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU27 duy trì mức tăng trưởng khả quan trong gần như cả năm và có dấu hiệu chậm lại rồi suy giảm cuối năm.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU năm 2022, tăng 16,7% so với năm 2021, đạt khoảng 46,83 tỷ USD, chiếm 12,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU27 đều ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm 2021, trừ xuất khẩu sang Áo, Slovakia, Bồ Đào Nha và Phần Lan giảm.
5 thị trường xuất khẩu từ Việt Nam sang EU27 có kim ngạch ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, 5 thị trường xuất khẩu từ Việt Nam sang EU27 có kim ngạch ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất năm 2022 gồm có: Malta (tăng 2.074,9%), Lithuania (tăng 81,7%), Croatia (tăng 57,5%), Romania (tăng 52,6%) và Síp (tăng 46,1%).
Malta là quốc gia châu Âu có kim ngạch xuất khẩu với Việt nam tăng mạnh nhất. Năm 2022, Việt Nam thu về 206,84 triệu USD từ việc xuất khẩu hàng hóa sang Malta.
Về mặt hàng, năm 2022, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU27, có 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU27 trên 1 tỷ USD gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện (6,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,35 tỷ USD); giày dép các loại (5,84 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (5,63 tỷ USD); hàng dệt, may (4,38 tỷ USD); cà phê (1,49 tỷ USD); sắt thép các loại (1,47 tỷ USD); hàng thủy sản (1,22 tỷ USD).
Trong đó, các mặt hàng đều chứng kiến mức tăng trưởng tốt, duy chỉ có một số mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; hạt điều; sản phẩm mây tre; hạt tiêu lại có kim ngạch giảm so với năm 2021.
Các mặt hàng có kim ngạch ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất gồm có: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (tăng 125,7%); đô chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 81%), bánh kẹp và các sản phẩm từ ngũ cốc (tăng 51,5%), giày dép các loại (tăng 48%), cà phê (tăng 45,4%)…
Về nhập khẩu, năm 2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU27 giảm 8,7% so với năm 2021, đạt giá trị 15,42 tỷ USD. Nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc giảm nhập khẩu từ một số thị trường lớn như: Đức, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ba Lan. Nổi bật là việc giảm nhập khẩu từ Ireland với giá trị giảm hơn 1,1 tỷ USD, tương ứng giảm 24,6% so với 2021 và chủ yếu là giảm nhập khẩu mặt hàng bộ vi xử lý phục vụ cho sản xuất các sản phẩm điện tử
Trong năm 2022, trong số các mặt hàng nhập khẩu chính từ thị trường EU27 về Việt Nam có 2 mặt hàng có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD và cả 2 mặt hàng này đều có sự sụt giảm trong nhập khẩu.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU nhiều khả năng sẽ chậm lại cho đến hết quý I, thậm chí kéo dài sang quý II/2023 và dự báo mức tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt từ 5 – 7% so với năm 2022.
Hiện nay, EU tăng cường hợp tác với các nước đảm bảo triển khai Chiến lược kinh tế xanh của mình, trong đó có việc cùng với Anh, các nước G7 và Việt Nam ra Tuyên bố về Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Theo thỏa thuận, dự kiến khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu được hoàn thành. JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi điện than của Việt Nam.