Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi!

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi!

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì sẽ dễ dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp.

”Muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững thì phải có một hệ thống doanh nghiệp bền vững. Muốn có các doanh nghiệp bền vững thì phải xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, muốn có văn hóa kinh doanh bền vững thì phải có con người biết kinh doanh bền vững, con người muốn biết kinh doanh bền vững thì phải có đạo đức doanh nhân” – ông Phạm Tấn Công chia sẻ bên lề sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 1.

Sau 60 năm thành lập, VCCI cùng với các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế cả nước. Ông thấy được điều gì khi nhìn lại những cống hiến của tổ chức?

Thành lập vào năm 1963, giai đoạn đầu VCCI có nhiệm vụ chính là thúc đẩy giao thương, kết nối và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, tập trung vào khu vực các nước tư bản chủ nghĩa.

Sau năm 1975, VCCI có thêm nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và các ngành công nghiệp, phục vụ tái thiết đất nước sau chiến tranh. Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, VCCI với kinh nghiệm tích luỹ nhiều năm trong quan hệ với các nền kinh tế thị trường đã tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, cũng như mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 1993, VCCI được tách ra từ Bộ Thương mại thành tổ chức độc lập, đánh dấu thời kỳ phát triển bùng nổ của VCCI cùng nền kinh tế đất nước. VCCI đi đầu trong khơi dậy và thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích người dân khởi sự doanh nghiệp.

Lúc này, VCCI có vai trò như một người vừa tham mưu, tư vấn chính sách cho Nhà nước, vừa tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời và phát triển. Và chúng ta thấy khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phát triển rất nhanh.

Bên cạnh đó, với quan hệ quốc tế sẵn có và đội ngũ cán bộ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, VCCI là một đầu mối quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ để xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từng bước hình thành lên cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Đội ngũ doanh nghiệp cả nước liên tục lớn mạnh là nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao liên tục, đến năm 2010 Việt Nam thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo, thu nhập thấp và đến năm 2022 chúng ta có GDP đứng thứ 37 thế giới, quy mô thương mại quốc tế thuộc TOP 20 thế giới. VCCI tự hào vì đã có cống hiến trong thành tựu phát triển của đất nước.

Hiện nay, VCCI vẫn kiên trì sứ mệnh tập hợp, kết nối, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lấy đó làm nền tảng góp phần thực hiện  mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Với tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng”, VCCI mong muốn xây dựng cộng đồng doanh nghiệp nước ta ngang tầm mục tiêu và khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Bên cạnh việc đồng hành cùng doanh nghiệp, VCCI còn hỗ trợ các địa phương phát triển. Bên cạnh những chỉ số PCI, VCCI hướng tới nghiên cứu thêm các chỉ số nào khác để hỗ trợ các địa phương?

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 2.

Như tôi đã chia sẻ, VCCI hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển vững mạnh và đất nước thịnh vượng. Để thực hiện mục tiêu này, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI là một trong những giải pháp. Chỉ số xanh cũng là một giải pháp mà VCCI đang hướng đến. Bên cạnh đó, việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là giải pháp vô cùng quan trọng.

Tất cả các giải pháp mà VCCI thực hiện đều nhắm tới tạo điều kiện, môi trường xây dựng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vững mạnh. Trong đó, vững là bền vững, mạnh là có đầy đủ năng lực, nội lực để cạnh tranh với quốc tế và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Tóm gọn lại, tất cả hoạt động của VCCI đều hướng đến phương châm doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng.

Để thực hiện điều này, việc xây dựng, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi là hết sức quan trọng. Môi trường kinh doanh thuận lợi như là nước, doanh nghiệp như là cá, nước có tốt, có trong lành thì cá mới lớn, mới phát triển được.

Trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam và các nước trên thế giới không còn kiếm lợi nhuận bằng mọi giá nữa, mà làm sao phát triển phải bền vững, trong đó phải có tính nhân văn. Tức là phát triển kinh tế phải quan tâm đến môi trường sống, bảo tồn thiên nhiên và tính nhân văn ngày càng được đề cao.

Đây sẽ là xu thế phát triển của tương lai, chú trọng vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bắt đầu từ năm 2022, VCCI đã tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) để giúp các địa phương nhận diện, thực hiện công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Phát triển theo hướng nhanh, xanh và bền vững là cách để chúng ta hội nhập với xu thế của thế giới. Với định hướng này, dòng vốn đầu tư xanh của thế giới sẽ chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều. Với mục tiêu vào năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thì không chỉ phát triển là có nhiều tiền mà phát triển là phải có cả văn minh và hiện đại.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 3.

VCCI đã tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp Việt Nam như: “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Bông hồng vàng”, “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp….”. Mục đích của các giải thưởng này là gì, thưa ông?

Tất cả những giải thưởng được VCCI tổ chức với mục đích tìm chọn tấm gương cho các doanh nghiệp khác noi theo, để phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam bền vững. Đối với VCCI, phát triển bền vững không chỉ là sản xuất kinh doanh bền vững, công nghệ bền vững mà quan trọng nhất là gốc rễ của bền vững – văn hóa kinh doanh.

Muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững thì phải có một hệ thống các doanh nghiệp bền vững. Muốn có các doanh nghiệp bền vững thì phải xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, muốn có văn hóa kinh doanh bền vững thì phải có con người biết kinh doanh bền vững, con người muốn biết kinh doanh bền vững thì phải có đạo đức doanh nhân.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 4.

Ông từng chia sẻ rằng: “Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là vấn đề cấp bách”. Lý do gì khiến vấn đề này trở nên cấp bách như vậy?

Nếu không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì doanh nghiệp không thể tồn tại được lâu đâu!

Nói về vấn đề cấp bách. Thứ nhất, không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì không thu thu phục được nhân tâm, sớm muộn sẽ dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp lớn sụp đổ sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, thậm chí có thể làm chao đảo cả một ngành hay một nền kinh tế. Không chỉ GDP và thu ngân sách bị sụt giảm, mà hệ sinh thái của họ sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác có thể đóng cửa hàng loạt, lượng lớn người lao động sẽ thất nghiệp. Điều này rất nguy hiểm!

Trong khi đó, thời kỳ hậu Covid-19 và bất ổn thế giới hiện nay lại là thời điểm vàng để doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam tạo ra một cú bật và chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội tốt như thế!

Chúng ta thấy đại dịch, xung đột vũ trang, cạnh tranh các nước lớn đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, xáo trộn, đang tạo ra những khoảng trống hiếm hoi cho Việt Nam bước vào. Khi trong khu vực và trên thế giới đã xuất hiện dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất thì Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về môi trường kinh doanh, về chính trị ổn định, đồng thời Việt Nam đã đạt vị thế mới cả về đội ngũ doanh nghiệp, quy mô nền kinh tế, chất lượng hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, Việt Nam cần nắm thời cơ để đón sóng dịch chuyển đầu tư và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế. Lúc này mà để các doanh nghiệp gãy đổ thì thật là đáng tiếc! Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm, ổn định phát triển, nắm bắt cơ hội vàng này, nếu không chỉ 1-2 năm nữa cơ hội sẽ qua đi.

Thứ hai đó là thách thức chỉ 22 năm nữa, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, văn minh và hiện đại. Muốn trở thành nước văn minh thì đương nhiên kinh doanh phải có đạo đức, có văn hoá. Mà xây dựng đạo đức, văn hoá là một quá trình dài, nhiều thế hệ, nếu không quan tâm đẩy mạnh, làm ngay bây giờ thì sẽ quá muộn.

Từ hai lý do trên, việc bắt tay xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh bây giờ là vấn đề sống còn, vấn đề nền tảng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Sau nhiều năm, ông nhận xét thế nào về nhận thức về đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh của Việt Nam và các nước trên thế giới?

Nhìn bức tranh tổng thể, nhận thức và thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh của Việt Nam đã tốt lên nhiều rồi. Khi mới đổi mới và mở cửa, tư duy làm ăn, buôn bán hầu như chỉ chạy theo lợi nhuận, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, trách nhiệm với xã hội hay với khách hàng lúc đó mờ nhạt lắm. Nay đã khác nhiều rồi. So với các nước có nền kinh tế thị trường cả trăm năm, thì chúng ta chỉ là cậu học trò, là người đi sau, nhưng là học trò khá, học nhanh, tiến bộ nhanh.

Trước đây, ta phải tổ chức cả cuộc vận động quốc gia về ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nêu cao tinh thần dùng hàng Việt là yêu nước, tức là cần sự hỗ trợ chính trị cho sản phẩm Việt, thì đến bây giờ rất nhiều sản phẩm Việt được người tiêu dùng chọn lựa và sẵn sàng trả giá cao hơn hàng ngoại..

Điều này thể hiện đã có thay đổi lớn về nhận thức, các nhà sản xuất Việt Nam đã đặt chất lượng và cam kết của mình với khách hàng lên hàng đầu nên lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Đấy là một sự tiến bộ to lớn.

Do đó, chúng ta mới xuất khẩu được ra toàn thế giới. Do đó, hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng hàng Việt Nam. Đặc biệt, đã xuất hiện hiện tượng lạ tại thị trường Việt Nam. Đó là, có hàng nước ngoài đã phải đóng tem giả danh hàng Việt để đến được với chính thị trường Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 5.

Điều này chứng tỏ nhận thức, trách nhiệm và sâu tận gốc là đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng lên rất nhiều.

Tôi hy vọng trong một ngày không xa, Việt Nam sẽ được ghi nhận là một trong những quốc gia có nền văn hóa kinh doanh tiến bộ, mẫu mực của thế giới và đấy chính là sức mạnh mềm của doanh nghiệp Việt Nam.

Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố gồm 6 điều: “Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình”. Theo ông, có nhiều doanh nghiệp thực hiện đủ 6 điều này chưa?

Bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI công bố đã được nghiên cứu, tổng hợp cả về lý luận và thực tiễn nên mang giá trị phổ quát chung cho các doanh nhân. Vì vậy về cơ bản, các doanh nhân Việt Nam đều đang vận hành theo 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, nhưng ở các chừng mực khác nhau.

Ví dụ như ở quy tắc thứ nhất, là doanh nhân thì phải tạo ra giá trị cho xã hội. Một doanh nhân chân chính luôn dùng trí tuệ, tài năng của mình để tổ chức sản xuất kinh doanh, tao ra các giá trị tăng thêm cho xã hội. Tuyệt đại đa số các doanh nhân, doanh nghiệp đều đang vận hành theo quy tắc này, nhờ vậy quy mô nền kinh tế nước ta mới tăng trưởng như vậy. Những tập đoàn lớn của Việt Nam và đặc biệt những tập đoàn sản xuất thì tôi đánh giá rất cao.

Ở quy tắc thứ hai, phải tuân thủ pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản để doanh nhân, doanh nghiệp có thể hoạt động kinh doanh bền vững và góp phần xây dựng xã hội văn minh. Điều đáng mừng là ý thức tuân thủ pháp luật trong kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, các thế hệ doanh nhân mới đã coi đây là nguyên tắc cần tuân thủ hàng đầu.

Tựu chung lại, khi các giá trị của 6 quy tắc đạo đức doanh nhân được lan tỏa và thực hiện, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Từ đó, mục tiêu, khát vọng trở thành nước phát triển của Việt Nam chắc chắn sẽ về đích đúng hạn thôi!

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 6.

Theo ông, nên làm gì để nâng cao đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh hơn nữa?

Điều đầu tiên, chúng ta cần xây dựng triết lý kinh doanh Việt Nam, thống nhất những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, văn hoá cơ bản trong kinh doanh. Rồi những nguyên tắc đó cần được phổ cập, lan tỏa và thực hành trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Để làm được điều này cần có sự phối hợp chung của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, hệ thống giáo dục, hệ thống báo chí truyền thông,… đến chính đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp.

Tôi cho rằng việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là quá trình lâu dài, không ngừng nghỉ. Để tạo dựng nền tảng, khuôn mẫu trong xã hội thì mất rất nhiều năm, có thể hàng chục năm, nên chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ thì mới kỳ vọng đến năm 2045 đất nước ta vừa giàu có, vừa văn minh, hiện đại.

Hiện nay, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi đã xác định trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh Việt Nam. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tới. VCCI không làm 1 mình, chúng tôi phối hợp và kêu gọi các hiệp hội, các tổ chức cùng hành động, tất cả cùng sáng tạo thì chúng ta sẽ có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Ví dụ như từ năm 2022, VCCI đã đưa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân vào trong bộ tiêu chí đánh giá và công nhận danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Từ đó, chúng có những điển hình, những câu chuyện truyền cảm hứng để lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2023, nền kinh tế gặp nhiều thách thức lớn, ông và VCCI định hướng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để vừa nâng cao đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

Đúng là năm 2023 có rất nhiều thách thức cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta đang ở thời điểm vàng để bứt phá, tạo vị trí mới trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Chuỗi này do đại dịch Covid-19, rồi chiến tranh, rồi xung đột các nước lớn nên vừa qua đã có những đứt gãy, xáo trộn, tạo cơ hội cho những “người đi sau” như Việt Nam len vào.

Đúng lúc này, kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt độ chín cả về quy mô, năng lực, vị thế để có thể chen vào và giữ một vị trí tốt trong chuỗi.

Nắm được thời cơ để tham gia vào chuỗi toàn cầu đi cùng với dòng chảy phát triển của thế giới sẽ tạo ra một vị thế mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Thật là cơ hội vàng hiếm có. Nếu chúng ta tận dụng được, khát vọng 22 năm nữa thành quốc gia phát triển sẽ thành sự thực.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Không có đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sụp đổ thôi! - Ảnh 7.

Do vậy, năm 2023, dù thách thức thế nào thì VCCI cũng phải hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh thuận lợi luôn là yếu tố then chốt và VCCI cũng coi đây là trọng tâm hàng đầu trong công tác tham mưu chính sách cho Chính phủ, các cơ quan Nhà nước.

Trước các khó khăn, bất ổn của thị trường, cần kịp thời có các chính sách ứng phó linh hoạt, cần “khoan sức dân” đối với doanh nghiệp, cần củng cố niềm tin của doanh nghiệp,… VCCI sẽ tăng cường nắm sát tình hình, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phản ánh, đồng thời cũng kịp thời đề xuất các chính sách, các biện pháp tháo gỡ. Vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ VCCI đã làm tốt hàng chục năm qua thì nay càng phải làm tốt hơn.

Tiếp nữa, hệ thống VCCI trên toàn quốc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cho các địa phương, từ các nội dung truyền thống như xúc tiến thương mại và đầu tư, đến các mô hình mới như hoạt động liên kết, kết nối doanh nghiệp, kết nối kinh tế vùng, khu vực.

VCCI cũng phát huy thế mạnh truyền thống về hợp tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, hay chớp thời cơ chiếm vị trí trong chuỗi toàn cầu, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2023 dự kiến VCCI sẽ tổ chức tới khoảng 500 hoạt động quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Theo Nhịp sống thị trường/cafef.vn