VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mong muốn VCCI tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thủy sản tổ chức hội thảo, tập huấn, cung cấp thông tin về các FTA thế hệ mới.
Đây là chia sẻ của ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Ông đánh giá như thế nào về sự đồng hành của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với doanh nghiệp, thời gian qua? VCCI đã thể hiện đúng vai trò là bệ đỡ của các doanh nghiệp, đồng thời là đầu tầu hỗ trợ và kết nối, thúc đẩy cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được VCCI quan tâm và hỗ trợ tích cực bằng các hoạt động cụ thể như thu thập thông tin, góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng qua nhiều kênh khác nhau. Các chương trình hội nghị, hội thảo của VCCI tổ chức thực sự hiệu quả như một diễn đàn để doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp được trao đổi trực tiếp, thẳng thắn chia sẻ, đối thoại với đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, từ đó góp phần quan trọng trong công cuộc cải thiện cơ chế chính sách theo hướng thuận lợi hóa, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế của đất nước. VCCI cũng là đầu mối kết nối các hiệp hội ngành hàng, đồng hành với các hiệp hội, điển hình là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để cùng đề xuất giải pháp và kiến nghị tháo gỡ khó khăn chung của doanh nghiệp cũng như những vấn đề đặc thù của ngành thủy sản. Một số nội dung kiến nghị liên quan đến thuế, hải quan đã được giải quyết như Nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh, các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí mà VCCI đã đồng hành cùng VASEP trong thời gian qua. Không chỉ vấn đề thuế, phí, thủ tục hải quan mà cả các vấn đề khác liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp cũng được VCCI chú trọng trong hoạt động góp ý và phản biện chính sách như vấn đề về lao động, môi trường và các vấn đề của FTA… – Để tận dụng tốt những lợi thế về thuế quan của các hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết, cũng như công cuộc cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thời gian tới, ông có những đề xuất gì? Đối với các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước, VCCI đã rất tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bằng các chương trình hội thảo, tập huấn, các tài liệu thông tin về quy định, thuế quan và các vấn đề liên quan và đã có các khảo sát và đánh giá về mức độ tận dụng FTA của các doanh nghiệp Việt Nam cụ thể tới từng ngành hàng lớn trong đó có thủy sản. Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản rất mong tiếp tục nhận được những tài liệu/các công cụ mới hoặc thư mời tham gia các hội thảo của VCCI qua đó giúp các doanh nghiệp hiểu và vận dụng hiệu quả hơn các hiệp định FTA thế hệ mới, đồng thời tránh những lỗi sai, vi phạm các điều khoản hiệp định, nhất là về vấn đề phát triển bền vững, môi trường, lao động… |
– Năm 2023, ngành thủy sản được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. VASEP sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ và đồng hành của VCCI để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, thưa ông?
Năm 2023 sẽ khó khăn cho doanh nghiệp cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản nói riêng vì các tác động của kinh tế thế giới, xu hướng thị trường xấu hơn và một số bất cập trong các điều kiện sản xuất – kinh doanh trong nước.
Hiệp hội VASEP mong muốn VCCI tiếp tục hỗ trợ, chung tay và đồng hành trong việc tháo gỡ các vướng mắc chung của doanh nghiệp, đồng thời đóng góp thêm tiếng nói tháo gỡ những bất cập riêng của ngành thủy sản.
Ví dụ như vấn đề về chi phí tăng, giá thành sản xuất cao khó cạnh tranh, VASEP mong được đồng hành cùng VCCI kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có biện pháp kiểm soát sự tăng giá của thức ăn nuôi thủy sản cũng như xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản.
Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP kiến nghị chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng có những chính sách giúp doanh nghiệp thủy sản được ưu tiên tiếp cận tín dụng để phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề giữ chân người lao động, VASEP mong muốn VCCI cùng đồng hành và hỗ trợ để kiến nghị các địa phương xem xét cho quỹ đất để các doanh nghiệp nông-thủy sản xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội cho người lao động; Quy hoạch khu công nghiệp, đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp….
– Xin cảm ơn ông!