[Quảng Trị] Linh hoạt các giải pháp xúc tiến đầu tư trong tình hình mới
Xác định xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực đa dạng, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư.
Hạ tầng Khu công nghiệp Quán Ngang – Ảnh: H.T
Trong đó đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng đầu tư của tỉnh qua nhiều kênh thông tin; tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm… gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2022, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch thực hiện chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định xã hội; Kế hoạch hành động số 108/QĐUBND của UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và các nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND tỉnh đã cam kết với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhờ vậy, bước đầu đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn, công ty lớn có uy tín đã đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát trao đổi, tìm hiểu để nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; Tập đoàn Central Group Việt Nam và Công ty CP đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Dương đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại tại TP. Đông Hà; Công ty năng lượng ENI đến tìm hiểu, hợp tác phát triển các dự án năng lượng khí tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị…
Năm 2022, toàn tỉnh có 28 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 598,213 tỉ đồng. Trong đó có một số dự án lớn như dự án trang trại nuôi lợn công nghệ cao quy mô 2.500 con lợn nái của Công ty CP Đầu tư trang trại Tuấn Lộc với tổng vốn đầu tư 72,05 tỉ đồng; dự án Nhà máy chế biến lúa, gạo hữu cơ Quảng Trị với mức đầu tư 80 tỉ đồng; dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Vĩnh Hà với tổng mức đầu tư 66,1 tỉ đồng.
Trên địa bàn tỉnh có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.484,52 triệu USD. Trong đó có 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,582 triệu USD; 6 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.434,94 triệu USD.
Mặc dù công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở hạ tầng, quỹ đất, thị trường lao động, nguồn vốn…
Cùng với đó, từ đầu năm 2021 đến nay có nhiều luật, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực, bổ sung và thay đổi dẫn đến việc phải điều chỉnh đối với chủ trương thực hiện một số dự án. Mặt khác, công tác xây dựng thông tin dự án (danh mục dự án thu hút đầu tư) chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, thông tin dự án và số liệu chi tiết còn ít. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu đẩy mạnh và đa dạng hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư về mọi mặt; xây dựng các công cụ xúc tiến đầu tư theo định hướng 8 nội dung cơ bản của chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; đặc biệt xác định phương châm xúc tiến đầu tư năm 2023 là “Không chạy theo số lượng, xem trọng chất lượng từng hoạt động xúc tiến đầu tư”.
Năm nay, tỉnh tiếp tục chú trọng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, các khu công nghiệp và các cơ sở hạ tầng khác.
Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hiệu quả, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp: năng lượng, chế biến, silicat, dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Tăng cường thu hút đầu tư vào dịch vụ kho vận nhằm phục vụ tốt cho các dự án đã đầu tư tại địa phương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển sản xuất và dịch vụ.
Thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh sẽ tiếp tục thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành và đổi mới linh hoạt trong hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư vào địa bàn.
Trong đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn; tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư… nhằm phấn đấu tăng trưởng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025; tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.