[Gia Lai] Nỗ lực hoàn thiện, thu hút đầu tư vào các khu-cụm công nghiệp
Cùng với nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Gia Lai đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các khu-cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư.
Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 611 ha, trong đó, KCN Trà Đa có diện tích 210 ha, KCN Nam Pleiku có diện tích 191,55 ha và KCN thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có diện tích 210 ha.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, đến nay, KCN Trà Đa có tỷ lệ lấp đầy 100% với 55 nhà đầu tư đang triển khai 61 dự án, tổng vốn đăng ký 3.396 tỷ đồng. Trong 61 dự án đầu tư có 46 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án hoàn thành xây dựng, chuẩn bị lắp đặt máy móc và hoàn chỉnh các thủ tục để đưa vào hoạt động; 8 dự án đang xây dựng; 3 dự án thực hiện các thủ tục tiếp theo sau cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư vào KCN Trà Đa chủ yếu tập trung các ngành, nghề sản xuất đá granite, nông sản, gỗ…
Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đã thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%. Ảnh: Hà Duy |
Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tại KCN Trà Đa đạt gần 3.320 tỷ đồng, tổng doanh thu thuần đạt 3.540 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 124 tỷ đồng. Kim ngạch xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại đây đạt 214 triệu USD. Số lao động đang làm việc tại KCN Trà Đa khoảng 2.000 người, trong đó, lao động người dân tộc thiểu số hơn 400 người. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội gần 1.400 người, thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có diện tích hơn 41,5 ha, song hiện mới chỉ có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đăng ký 556,6 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 20 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Năm 2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu ước đạt hơn 413 tỷ đồng, kim ngạch xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 137,7 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước tại đây trong năm qua là gần 14 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5 triệu đồng/tháng.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku có diện tích 191,55 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 517,5 tỷ đồng. Đến nay, vốn đầu tư đã thực hiện hơn 51 tỷ đồng. Khu Công nghiệp Nam Pleiku cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, cách Cảng Hàng không Pleiku khoảng 15 km và cách Cảng Quy Nhơn chỉ 166 km. Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư liên hệ, đăng ký thực hiện dự án với diện tích lấp đầy gần 70% (nếu triển khai). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về đấu nối giao thông, đấu nối hệ thống nước mưa, nước thải, miễn giảm tiền thuê đất… nên phải tạm dừng để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Nam Pleiku.
Về dự án này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, có hướng giải quyết cụ thể công tác đấu nối hệ thống thoát nước mưa, công tác giải phóng mặt bằng đầu tư tuyến đường giao thông D3. Trong đó, vì hạng mục tuyến sau tràn xả lũ của hồ thủy lợi Ia Ring vẫn chưa được tỉnh triển khai nên Công ty không đủ điều kiện thực hiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xin cấp phép hoạt động, không thể đưa dự án vào vận hành dù đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và thu gom nước mưa.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất, chế biến chanh dây ở KCN Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy |
Liên quan đến KCN Nam Pleiku, tại hội nghị đại biểu người lao động Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Tỉnh sẽ cố gắng tạo điều kiện để Dự án đi vào hoạt động trong năm 2023. Trong thời gian sớm nhất, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc để đưa dự án vào khai thác.
Bên cạnh các KCN, tỉnh đã quy hoạch nhiều cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Theo thống kê, tổng diện tích phát triển CCN trên địa bàn tỉnh là 600 ha, trong đó mới chỉ có khoảng 20% diện tích đã lấp đầy. Đến nay, 12 CCN đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,5 ha; 2 CCN đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập (CCN Chư Prông, Chư Pưh); 4 CCN chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết (CCN Krông Pa, Kbang, Mang Yang, Chư Păh). Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-nhận định: Hiện các dự án tại KCN Trà Đa hoạt động khá ổn định và phát triển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, các CCN không ngừng được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, các CCN được quy hoạch, bố trí có tính kết nối cao khi hầu hết đều đặt dọc các tuyến quốc lộ 19 (CCN Đak Đoa, Mang Yang, An Khê); quốc lộ 14 (CCN Chư Păh, Chư Pưh); quốc lộ 25 (CCN Chư Sê, Ia Sao-thị xã Ayun Pa).
Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 2 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Trà Đa (TP. Pleiku), Nam Pleiku (Chư Prông-Đak Đoa), trên địa bàn tỉnh còn có các CCN tập trung như: An Khê, Đak Đoa, Ayun Pa, Chư Sê, Mang Yang và KCN Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Để tăng cường công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tại các KCN hoạt động, Ban đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, lấy doanh nghiệp làm đối tượng quản lý và cũng là đối tượng phục vụ, quan tâm chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu. Cùng với đó, Ban thành lập Tổ tư vấn nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất, xây dựng và các thủ tục theo quy định của pháp luật về môi trường”.