VCCI thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm Việt Nam
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm (RBH) nhằm cải thiện thực hiện quy định về xã hội và môi trường.
Được sự ủy thác của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển từ tuân thủ sang chủ động thực hiện: Các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng bền vững”.
Hội thảo với chủ đề “Chuyển từ tuân thủ sang chủ động thực hiện: Các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng bền vững”.
Sự kiên này nằm trong khuôn khổ hợp tác của Đức nhằm cải thiện việc thực thi các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Viêt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của thế giới và tăng cường tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Để nắm bắt được cơ hội thị trường từ các hiệp định này, các doanh nghiệp cần phải hiểu và tuân thủ các cam kết và yêu cầu của thị trường các nước đối tác.
Bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Xu hướng này đang được đẩy mạnh bởi các quy định về trách nhiệm tra soát liên quan đến phát triển bền vững đã được ban hành ở một số quốc gia phát triển. Những quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải đánh giá và giảm thiểu rủi ro vi phạm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.
Cộng hòa Liên bang Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, đã ban hành và sẽ chính thức áp dụng Luật về Trách nhiệm tra soát của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa các vi phạm về quyền con người trên toàn chuỗi cung ứng (LkSG) từ ngày 01/01/2023. Luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn hoạt động trên lãnh thổ Đức chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến quyền con người và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.
Chỉ thị về trách nhiệm tra soát bền vững cũng đang được các nước Liên minh Châu Âu thảo luận và dự kiến sẽ áp dụng các quy định tương tự tại tất cả các nước Liên minh Châu Âu.
Mặc dù không chịu sự điều chỉnh trực tiếp của những quy định nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động khi tham gia chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Việc sớm nắm bắt những yêu cầu của các khách hàng (tiềm năng) sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị sẵn sàng hệ thống giám sát nội bộ hiệu quả, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Cải thiện việc thực thi các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng tầm vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và gia tăng giá trị trong nước của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn cũng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, trong đó có cam kết về trung hòa các-bon vào năm 2050.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định: “Các yêu cầu về trách nhiệm tra soát chuỗi cung ứng không hoàn toàn mới. Tuy nhiên, so với trước đây, các yêu cầu này ngày càng liên quan chặt chẽ hơn, đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp nhiều hơn. Việc nhanh chóng nắm bắt và thực hiện các quy định này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, cải thiện năng lực cạnh tranh trong chuỗi, đồng thời, mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động”.
Đáng lưu ý, tại hội thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm (RBH). Bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động thuộc VCCI cho biết “Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong việc cải thiện việc thực hiện các quy định về xã hội và môi trường, trước áp lực ngày càng lớn từ phía khách hàng. RBH hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiểu biết và sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. RBH cũng sẽ hỗ trợ kết nối thông tin giữa các nhãn hàng và các nhà sản xuất trong nước để hình thành các chuỗi cung ứng bền vững hơn”.
Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm tại Việt Nam tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam trong giai đoạn ban đầu. RBH do VCCI trực tiếp quản lý, và là thành viên của Mạng lưới các Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm kết nối các RBH trên toàn cầu.
Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm Việt Nam (RBH Việt Nam) được thành lập nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm tra soát các vấn đề về môi trường và xã hội, từ đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng chặt chẽ về môi trường, lao động theo luật định và của khách hàng quốc tế. RBH Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn thực hành, đào tạo nâng cao nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm, tăng cường đối thoại giữa các đối tác liên quan. RBH Việt Nam cũng sẽ là đầu mối kết nối các doanh nghiệp sản xuất với đơn vị cung cấp dịch vụ và các dự án, chương trình, sáng kiến về phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm.