[Quảng Bình] Thu hút đầu tư ngoài ngân sách có chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong năm 2022, công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh Quảng Bình chú trọng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn (Ảnh: Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La 1).
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 63 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần về số dự án và gấp 6 lần về tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (bao gồm 53 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng mức đầu tư gần 4.388 tỷ đồng và 10 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng mức đầu tư gần 2.821 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng tiếp nhận 18 dự án NGO với tổng vốn cam kết viện trợ khoảng 5,4 triệu USD.
Cùng trong năm 2022, công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được tỉnh quan tâm. Tỉnh tiếp tục chú trọng tiếp nhận nhu cầu, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án kêu gọi đầu tư tại Quảng Bình giai đoạn 2022-2024; triển khai có hiệu quả Bộ phận tiếp nhận kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngày 7/11/2022, UBND tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tỉnh (PCI) năm 2022.
UBND tỉnh phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao Chỉ số PCI.
Hội nghị đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được và hạn chế của các chỉ số thành phần trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay của các tỉnh, thành phố trong cả nước; khuyến nghị giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của Quảng Bình trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo Sở KH-ĐT, các cách làm hay, giải pháp được VCCI khuyến nghị thực hiện để nâng cao Chỉ số PCI, đó là: Xây dựng chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính…
Theo Báo Quảng Bình